Nghiên cứu của Đại học Quân y Trung Quốc và Đại học Quân y Hải quân, được công bố trên tạp chí Quân y của Anh, cho thấy binh sĩ làm việc tàu ngầm mắc các vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn nhiều so với các lực lượng khác.
Các nhà nghiên cứu kết luận: “Nghiên cứu này lần đầu tiên chứng minh rằng các binh sĩ và sĩ quan trong lực lượng tàu ngầm ở Biển Đông đang phải đối mặt với các nguy cơ về sức khỏe tâm thần và mắc các vấn đề tâm lý nghiêm trọng”.
Nghiên cứu đã khảo sát 580 binh sĩ trong hạm đội Biển Đông của Hải quân Trung Quốc. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ lo lắng, ám ảnh, hoang tưởng và buồn ngủ của các binh sĩ làm việc trong các tàu ngầm cao hơn so với các quân nhân Trung Quốc nói chung.
Các nhà nghiên cứu cho biết, các điều kiện và tình hình quân sự ở Biển Đông làm trầm trọng thêm các vấn đề.
Biển Đông đã trở thành điểm nóng về căng thẳng quân sự trong những năm gần đây.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, kể từ năm 2014, nước này đã xây dựng các đảo nhân tạo, được củng cố bằng hệ thống công sự và vũ khí tiên tiến.
Các nhà nghiên cứu cho biết, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động quân sự trong khu vực, có nghĩa là các tàu ngầm có thể trải qua 2-3 tháng hoạt động trong vùng biển chật hẹp, ồn ào dẫn đến tình trạng thiếu ngủ của các binh sĩ.
Nghiên cứu cho biết: “Môi trường không thân thiện về thể chất khiến các quân nhân không chỉ sống trong một môi trường bị cô lập liên tục mà còn phải ngủ trong các cabin tiếp xúc với tiếng ồn quá mức”.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc liên tục với ánh sáng nhân tạo cũng có thể dẫn đến các vấn đề về tâm thần.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy những người đi tàu ngầm có trình độ đại học hoặc sau đại học gặp nhiều vấn đề về tâm thần hơn những người có trình độ học vấn thấp hơn. Họ đưa ra hai lý do cho điều này: Những người có học vấn cao không có cách nào để giải tỏa những áp lực tâm lý trong môi trường cô lập của họ và khao khát tự do.
Các nhà nghiên cứu cho biết các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân phức tạp đòi hỏi quân nhân có trình độ học vấn tốt hơn, những người trên tàu có xu hướng lo lắng nhiều hơn về tai nạn và ảnh hưởng của bức xạ đối với sức khỏe của họ.
Mặc dù sức khỏe tinh thần của các binh sĩ làm việc trong các tàu ngầm đã được nghiên cứu trong hải quân ở các nước phương Tây, các báo cáo từ một nước như Trung Quốc là rất hiếm.
Nghiên cứu này có thể là cơ sở để Trung Quốc theo dõi sức khỏe tâm thần của các binh sĩ tàu ngầm và đề xuất mở rộng nghiên cứu cho toàn bộ hạm đội tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc có một hạm đội ít nhất 60 tàu ngầm, ít nhất 10 trong số đó chạy bằng năng lượng hạt nhân. Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ dự kiến lực lượng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc sẽ tăng thêm 16 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân trong thập kỷ tới.