Theo thống kê chính thức, từ ngày 15/2 đến cuối tháng Tư vừa qua, nhà chức trách Mexico đã thu gom hơn 9,5 nghìn tấn tảo mơ ở ven biển và trên mặt nước. Người đứng đầu lực lượng Hải quân (Semar) José Ojeda nhận định tình lúc này là “đáng báo động”, và cho rằng nhiệm vụ hàng đầu hiện nay -loại bỏ tảo mơ khỏi nước biển trước khi chúng trôi dạt vào bờ biển- dường như là “bất khả thi”. Hiện Hải quân Mexico có 11 tàu thu gom tảo hoạt động trong khu vực. Năm 2020, Semar đã loại bỏ được 4% lượng tảo mơ khỏi nước biển, trong khi 96% còn lại được thu gom trên các bãi biển. Tuy nhiên, năm ngoái con số này giảm xuống còn 3% và từ đầu năm đến nay chỉ còn khoảng 1%.
Những đống tảo Sargassum, với màu nâu xỉn và bốc mùi khó chịu, xuất hiện ồ ạt trên những bãi biển vốn là cát trắng nguyên sơ của Mexico đúng vào thời điểm ngành du lịch của quốc gia này đang dần phục hồi về mức trước đại dịch. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho nhà chức trách Mexico, bởi ngành “công nghiệp không khói” đóng góp tới 7,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2021 và con số này dự kiến lên tới 8,3% GDP trong năm nay.
Kể từ năm 2011, tình trạng du khách không thể tắm biển do lớp tảo biển dày tới 1m và lan rộng hàng km đã diễn ra ở nhiều bãi biển của Mexico. Nguyên nhân khiến tảo biển trôi dạt vào bờ là do các dòng hải lưu, sóng và gió. Gần đây Trung tâm nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học Ensenada khẳng định cường độ gió gia tăng có thể là nguyên nhân khiến tảo biển xuất hiện ồ ạt trong năm nay.
Bà Rosa Rodríguez Martínez, nhà sinh vật học ở thị trấn ven biển Puerto Morelos, cảnh báo hiện tượng này không chỉ tác động đến du lịch mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường. Chuyên gia về các rạn san hô và hệ sinh thái ven biển thuộc Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM) cho biết, các khách sạn và chính quyền địa phương phải sử dụng máy ủi và máy móc hạng nặng để thu gom tảo, nhưng phương pháp này sẽ lấy đi lượng lớn cát, gây xói mòn bờ biển.
Theo bà Rodríguez Martínez, phương pháp tối ưu để đối phó với tình trạng này là lắp các rào nổi ở ngoài khơi và thu gom tảo ở các vùng nước gần bờ hơn. Tuy nhiên, một vấn đề khác được đặt ra là làm cách nào xử lí hàng nghìn tấn tảo bị loại bỏ mỗi năm, chủ yếu là do các khách sạn thu gom lại. Một số nơi chỉ vứt tảo vào các mỏ đá vôi bỏ hoang, nhưng muối và khoáng chất trong rong biển có thể ngấm vào mạch nước ngầm. Trong khi đó, nếu rong biển bị vứt trong rừng hoặc rừng ngập mặn, độ mặn cao sẽ gây hại cho các loài thực vật. Bà Rodríguez Martínez cho biết mặc dù đã có một số dự án dùng rong mơ để chế tạo gạch hoặc phân bón, nhưng vì thiếu hành lang pháp lí cụ thể và kế hoạch dài hạn nên khó thu hút được các khoản đầu tư lớn.
Các báo cáo đầu tiên từ những năm 2010 cho biết tảo Sargassum có thể đến từ một khu vực của Đại Tây Dương ngoài khơi bờ biển phía Bắc Brazil, gần cửa sông Amazon. Sự gia tăng chất dinh dưỡng do nạn phá rừng hoặc thải phân bón có thể là nguyên nhân thúc đẩy tảo tăng trường, bên cạnh những yếu tố khác như phù sa từ sông Congo, những dòng nước biển sâu giàu chất dinh dưỡng ở Đại Tây Dương nhiệt đới và bụi từ châu Phi.