Nói về lý do tăng giá điện từ ngày 1/12, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, việc tăng giá điện dựa vào nhiều yếu tố chứ không chỉ căn cứ vào giá thành sản xuất điện của EVN lỗ năm 2016. Cơ sở pháp lý được vị này dẫn ra là Quyết định 24, Quyết định 28 của thủ tướng, căn cứ về quyết định ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân, báo cáo kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 của EVN, các phương án điều hành và ảnh hưởng của từng phương án tới kinh tế vĩ mô… Trong việc sản xuất và kinh doanh điện, EVN đang lỗ và quyết định tăng giá là phù hợp. Ngoài ra, khoản chênh lệch tỷ giá trên 9.000 tỷ đồng đang là áp lực rất lớn đến giá thành điện hiện nay.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thống nhất sẽ khấu trừ khoản chênh lệch tỷ giá 9.000 tỷ đồng vào giá thành điện từ nay đến năm 2020. Với việc tăng giá điện và khấu trừ dần hàng năm, EVN, Bộ Công Thương kỳ vọng đến năm 2020 sẽ giải quyết dứt điểm khoản tiền do chênh lệch tỷ giá.
Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định việc kiểm tra giá thành được thực hiện với sự tham gia của nhiều bên. Theo đó, báo cáo kiểm tra giá thành được thực hiện bởi Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập. Thành phần Tổ công tác ngoài thành viên của Bộ Công Thương thì bộ còn mời đại diện Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, Hội Điện lực. Đặc biệt, năm nay, có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). “Chúng tôi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện, sau đó có báo cáo với lãnh đạo bộ”, ông Tuấn cho biết.
Khi được hỏi việc tăng giá điện này có ảnh hưởng đến người dân hay không, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết tăng giá điện chỉ tác động đến chỉ số giá sản xuất 0,07% và tác động đến chỉ số giá tiêu dùng ở mức 0,08% trong năm 2017.
Theo tính toán của Bộ Công thương, giá điện tăng 6,08% sẽ tác động làm cho nhóm kinh doanh dịch vụ tăng 5,4%, nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp bị tăng 4,97%. Với khách hàng sinh hoạt, mức tăng giá điện ảnh hưởng không đáng kể. Cụ thể: Với hộ dùng 50 kWh/tháng tăng 3.200 đồng/tháng, hộ dùng 50 kWh/tháng đến 100 kWh là 5.600 đồng. Hộ dùng từ 200 kWh/tháng là 6.600 đồng. Hộ dùng từ 200 kWh/tháng là 13.800 đồng. Hộ dùng 300 kWh là 23.600 đồng. Hộ dùng từ 400 kWh trở lên chi phí tăng 34.800 đồng.
Các hộ dân sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều, bởi đối với 5,2 triệu hộ nghèo vẫn sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ là 51.000 đồng/tháng, với tổng số tiền hỗ trợ là 2.500 tỉ đồng/năm.