Chiều 13/2, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 đối với công tác tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy và cao đẳng ngành giáo dục mầm non hệ chính quy.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả 63/63 địa phương trên cả nước đã cho học sinh nghỉ học để phòng dịch COVID-19 lây lan. Việc học sinh nghỉ học dài ngày khiến các trường lo ngại khó đảm bảo tiến độ năm học, còn học sinh, phụ huynh băn khoăn việc này có ảnh hưởng đến lịch tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2020.
Chưa quyết định lùi kỳ thi THPT quốc gia
Giải đáp băn khoăn về việc có lùi thời điểm thi THPT quốc gia và các mốc thời gian xét tuyển đại học so với mọi năm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ sẽ cân nhắc trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho học sinh, nhưng khả năng lớn là không cần thiết phải lùi thời gian tổ chức kỳ thi.
Lý do là hiện chỉ có tỉnh Vĩnh Phúc là nơi công bố dịch phải xem xét việc học sinh nghỉ thêm. Với các địa phương khác, căn cứ vào tình hình dịch bệnh và khuyến cáo của cơ quan y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc có cho học sinh nghỉ tiếp hay không. Đối với những địa phương học sinh nghỉ 2 tuần thì không ảnh hưởng quá lớn đến tiến độ dạy học của các nhà trường.
Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn về việc tổ chức học bù và lưu ý riêng với các địa phương có học sinh nghỉ học quá 2 tuần vì bệnh dịch.
Những điểm mới cần đặc biệt lưu ý
Riêng về tuyển sinh năm nay, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết đang lấy ý kiến bổ sung 2 nhóm ngành được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên trình độ đại học là du lịch (du lịch, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống) và công nghệ thông tin (khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin, an toàn thông tin).
Hệ số giảng viên thỉnh giảng quy đổi với hai nhóm ngành này cũng thay đổi so với trước. Nếu như trước đây giảng viên thỉnh giảng chỉ được tính chung hệ số quy đổi cho tất cả các ngành thì dự thảo mới bổ sung hệ số giảng viên thỉnh giảng quy đổi cao hơn rất nhiều so với các ngành còn lại khi xác định chỉ tiêu và bằng ½ so với giảng viên cơ hữu.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tích hợp quy chế tuyển sinh các hệ chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2 vào cùng một quy chế. Không chỉ vậy, bộ cũng sẽ tiếp tục quy định tiêu chí ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe, bổ sung ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo hai khối ngành này.
Bộ cũng sẽ đưa ra các quy định chế tài chặt chẽ hơn đối với việc vi phạm quy chế thi, tuyển sinh. Chỉ tiêu ngành sư phạm được Bộ GD&ĐT phân bổ các cơ sở báo cáo nhu cầu giáo viên của địa phương.
Điểm đặc biệt năm nay là Bộ GD&ĐT không quy định lệ phí tuyển sinh, lệ phí do các cơ sở giáo dục quy định nhưng cần ổn định như các năm trước. Các cơ sở giáo dục thống nhất với Sở GD-ĐT mức thu phí xét tuyển.