Bỏ học nuôi heo thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới

(Ngày Nay) - Bỏ học để nuôi heo và làm công nhân nhưng bà Zhou Qunfei khác hẳn chị em cùng quê vì giờ đã là nữ tỷ phú giàu nhất thế giới.
 Nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới có xuất thân khiêm tốn với công việc nuôi heo, vịt và làm công nhân.
Nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới có xuất thân khiêm tốn với công việc nuôi heo, vịt và làm công nhân.

Zhou Qunfei từng phải bỏ học, làm công nhân nhà máy nhưng bây giờ nắm trong tay khối tài sản ròng hơn 8 tỷ đôla. Số tiền này đưa bà trở thành người phụ nữ tự thân giàu nhất hành tinh, theo báo cáo của Bloomberg Billionaires Index và Forbes.

Bà Zhou chính thức trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới trong bảng xếp hạng của Forbes vào tháng 3 vừa qua trong tổng số 56 nữ tỷ phú tự thân hiện có toàn cầu. Tại Trung Quốc, bà được biết đến với tư cách là nhà sáng lập Lens Technology, có trụ sở tại tỉnh Hồ Nam. Công ty này chuyên sản xuất mặt kính cảm ứng cho điện thoại của Apple và Samsung.

Ở tuổi 47, bà Zhou cũng là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất trong danh sách của Forbes. Tuy nhiên, điều gây ấn tượng nhất là bà từng có một xuất phát điểm hết sức khiêm tốn.

The New York Times cho biết, bà sinh ra ở một ngôi làng nhỏ ở Trung Quốc. Mẹ bà qua đời khi bà mới lên 5 và cha bị mất một ngón tay cùng một phần thị lực trong một tai nạn lao động. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã chăm chỉ nuôi heo và vịt để phụ gia đình kiếm tiền.

Ở tuổi 16, bà buộc phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Bà được nhận vào làm công nhân ở một nhà máy sản xuất thấu kính với mức lương vỏn vẹn 1 đôla một ngày với điều kiện vô cùng khắc nghiệt.

“Tôi đã phải làm việc từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm, thậm chí có hôm đến 2 giờ sáng hôm sau”, bà Zhou kể lại.

Đến năm 22 tuổi, bà quyết định nghỉ việc để lập nghiệp. Với 3.000 đôla dành dụm được sau nhiều năm lao động cực nhọc, bà cùng vài người thân quyết định mở một xưởng sản xuất thấu kính. Những năm sau đó, bà sống và làm việc cùng với các cộng sự là anh chị em, bà con và nhân viên trong một căn hộ nhỏ.

Mặc dù công ty của bà vẫn phát triển đều đặn nhưng cho đến khi bà quyết định chuyển sang sản xuất mặt kính điện thoại thì sự nghiệp mới thực sự sang trang. Motorola chính là khách hàng đầu tiên của bà. Khi ấy là năm 2003.

Liên tiếp sau đó, công ty bà nhận được đặt hàng của HTC, Nokia và Samsung. Đến 2007, Apple gõ cửa Lens Technology để đặt sản xuất mặt kính cảm ứng cho iPhone. Chính đối tác này đã đưa công ty của bà vươn lên giá trị hàng tỷ đôla.

Tuy nhiên, không phải dễ để Apple tìm đến và càng không dễ để giữ chân khách hàng này. Bà Zhou Qunfei cho biết, việc quản lý hoạt động của công ty tốn rất nhiều tâm sức. Có ngày, bà phải làm việc đến 18 tiếng và hầu như dành hết thời gian tại văn phòng. Kết quả, Lens Technology trở thành một "đế chế" công nghệ hùng mạnh tại Trung Quốc với 74.000 lao động làm việc trong 32 nhà máy đặt tại 7 địa điểm khác nhau.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Times, nữ tỷ phú cho biết, tại ngôi làng nơi bà sinh ra, việc các cô gái được học đến nơi đến chốn là điều xa xỉ. Lựa chọn duy nhất của họ là lấy chồng và dành hết cuộc đời còn lại trong chính ngôi làng đó. Và bà đã từ chối con đường này.

“Tôi đã chọn con đường kinh doanh. Và tôi không hề hối tiếc”, bà nói.

Theo Vnexpress
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.