Năm 2016, Tòa án Trọng tài thường trực có trụ sở ở Den Haag đã phán quyết có lợi cho phía Philippines trong kết luận Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử đối với phần lớn Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn hôm thứ Ba, Tổng thống Duterte nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa hẹn về phần lớn cổ phần trong một liên doanh thăm dò dầu khí có thể nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ), nếu nước này bỏ qua phán quyết năm 2016.
"Hãy đặt phán quyết trọng tài sang một bên", ông Duterte nhắc lại lời Chủ tịch Tập. "Hãy đặt yêu cầu của ngài sang một bên. Sau đó cho phép mọi người hợp tác với các công ty Trung Quốc. Họ muốn thăm dò và nếu có dầu khí, họ sẽ chia cho ngài 60% cổ phần".
Vào tuần trước, Tổng thống Duterte đã thực hiện chuyến thăm tới Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết hai nước có thể tiến thêm một "bước lớn hơn" trong hoạt động hợp tác khai thác dầu khí.
"Miễn là hai bên xử lý vấn đề Biển Đông đúng cách, bầu không khí quan hệ song phương sẽ lành mạnh, nền tảng của mối quan hệ sẽ ổn định, hòa bình và ổn định khu vực sẽ được đảm bảo", ông Tập nói.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh đã không bình luận trực tiếp về lời đề nghị của ông Tập, nhưng nói rằng Philippines "sẵn sàng đẩy nhanh hợp tác với Trung Quốc trong việc khai thác dầu khí chung".
"Hai bên tuyên bố thành lập ban chỉ đạo chung liên chính phủ và một nhóm làm việc giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác dầu khí", bà Hoa nói.
Mối quan hệ chặt chẽ
Năm 2018, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông, trong bối cảnh dư luận Philippines hết sức đề phòng chính sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.
Các thỏa thuận bao gồm một bản ghi nhớ cùng thăm dò các nguồn năng lượng, bên cạnh các thỏa thuận về giáo dục, hợp tác nông nghiệp và các dự án cơ sở hạ tầng.
Theo một dự thảo của bản thỏa thuận, phía Trung Quốc sẽ ủy quyền cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc thực hiện hoạt động thăm dò chung tại "các vùng biển có liên quan" của Biển Đông.
Philippines trong quá khứ từng có những động thái cứng rắn với Trung Quốc, khi đưa tranh chấp trên Biển Đông giữa hai nước ra tòa án quốc tế.
Nhưng dưới thời Tổng thống Duterte, chính quyền Manila đã ngày càng tìm cách xây dựng mối quan hệ có lợi về kinh tế với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai bên trong vùng biển tranh chấp vẫn còn căng thẳng. Hồi tháng 4, chính phủ Philippines đã phản đối Trung Quốc sau sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc gần một hòn đảo của Philippines ở Biển Đông. Tổng thống Duterte sau đó đe dọa sẽ gửi quân đội của mình vào một "nhiệm vụ tự sát" nếu Bắc Kinh không tàu khỏi hòn đảo.