Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tăng tốc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 21/7, tại Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với bậc Giáo dục Trung học, Giáo dục Thường xuyên. Đại diện lãnh đạo các trường Đại học, Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Trong năm học 2023 - 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định 8 nhiệm vụ, trọng tâm là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nâng cao chất lượng sách giáo khoa; hoàn thiện các vấn đề về biên soạn, thẩm định, lựa chọn, phát hành, sử dụng sách giáo khoa. Các địa phương tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục - Đào tạo các địa phương tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; bảo đảm an toàn trường học...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, năm học 2023 - 2024 là năm học có ý nghĩa đặc biệt. Kết quả của năm học sẽ tác động đến kết quả của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo kế hoạch, năm học này, toàn ngành sẽ triển khai chương trình mới cho 9 khối lớp (gồm lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11) và chuẩn bị cho 3 khối lớp còn lại (lớp 5, 9, 12).

Với nhiều nhiệm vụ quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị toàn ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, khó khăn và đề ra giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Theo đó, cần tăng cường, thường xuyên và tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy học, hỗ trợ giải đáp những vướng mắc của giáo viên trong quá trình tổ chức dạy học, không phó thác cho các huyện, các quận.

Về một số vướng mắc mà các địa phương kiến nghị như lúng túng trong việc học sinh chuyển trường, chuyển vùng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh theo nguyên tắc không được đặt ra bất cứ rào cản nào nếu học sinh có nhu cầu chuyển trường, chuyển vùng. Trách nhiệm của nhà trường là giúp học sinh bổ sung kiến thức thiếu hụt. Một số tỉnh, thành phố băn khoăn về tiêu chí 45 học sinh/lớp bậc Trung học và 35 học sinh/lớp bậc Tiểu học, Bộ trưởng thông tin, đây là tiêu chí về chuẩn chất lượng và phải thực hiện theo đúng như các văn bản đã quy định.

Với bậc Giáo dục Thường xuyên, Bộ trưởng đề nghị các địa phương, các ban ngành cần thực hiện đổi mới một cách đồng bộ, quan tâm đến cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong mỗi năm học. Các địa phương cũng cần đánh giá lại mô hình giáo dục thường xuyên, nhất là cách vận hành, đầu tư.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung phân tích những bất cập ở cơ sở như việc cần linh hoạt trong việc bố trí sĩ số lớp đối với việc triển khai các môn tự chọn ở bậc Trung học Phổ thông, chính sách khích lệ đối với Giáo dục thường xuyên, khó khăn trong tính tiết cho giáo viên ở các tiết học trải nghiệm, dạy và học môn Tiếng Anh ở các nhà trường. Các đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm học 2024 - 2025; chỉ đạo các trường Đại học công bố phương án tuyển sinh, cấu trúc đề đánh giá năng lực cho năm 2025...

Năm học 2022 - 2023, bậc Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên đã triển khai nhiều phần việc cụ thể nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua đánh giá, các địa phương đã tổ chức tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và đại trà; bồi dưỡng tập huấn sách giáo khoa... Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực thực hiện giáo dục hướng nghiệp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như tư vấn học sinh lựa chọn các tổ hợp môn học ở cấp Trung học Phổ thông. Các Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học thông qua các hoạt động như: Cuộc thi thiết kế thiết bị dạy học số, tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên về hoạt động giáo dục STEM, sinh hoạt chuyên môn liên trường...

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.