Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới 2 đồng minh quan trọng của Mỹ được cho là nhằm đảm bảo cam kết quốc phòng của Mỹ với khu vực vẫn không thay đổi sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều, cũng như quyết định của Mỹ dừng các cuộc tập trận quân sự lớn với Hàn Quốc gần đây.
Dự kiến trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera. Các bên sẽ thảo luận những diễn biến gần đây trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có quyết định của Mỹ dừng các cuộc tập trận quân sự lớn với Hàn Quốc.
Nhật Bản gần đây bày tỏ lo ngại về quyết định hủy bỏ các cuộc tập trận quân sự lớn trong khu vực, có thể làm giảm mức độ răn đe đối với Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhận định: “Sự hiện diện của quân đội Mỹ bao gồm những lực lượng tại Hàn Quốc là không thể thiếu để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực. Tôi cho rằng, các cuộc tập trận quân sự của Mỹ với các nước khu vực cùng các hợp tác quốc phòng khác là quan trọng đối với an ninh và ổn định khu vực”.
Chính vì vậy, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến hai quốc gia này được cho là nhằm xoa dịu mối lo ngại của các đồng minh khu vực trước triển vọng quan hệ Mỹ- Triều Tiên đang đạt được những bước tiến dài.
Như một đảm bảo của Mỹ đối với Hàn Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 27/6 tuyên bố, các cuộc tập trận chung sắp tới giữa Mỹ và Hàn Quốc có thể tạm ngừng, nhưng nước này vẫn duy trì kế hoạch nâng cấp các Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vốn được thiết kế để chống lại cuộc tấn công của Triều Tiên nhằm vào Seoul hoặc các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực. Quyết định này được đưa ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, nước này đánh giá mối đe dọa từ chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là "rất nghiêm trọng".
Nhật Bản sẽ là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm khu vực châu Á kéo dài 1 tuần của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Theo các quan chức quốc phòng Nhật Bản, cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Nhật Bản sẽ dựa trên những trao đổi của ông Mattis tại Trung Quốc và Hàn Quốc trong tuần này.
Hai bên thảo luận những vấn đề khác nhau của khu vực và quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, trong đó có vấn đề Triều Tiên. Phát biểu trước chuyến thăm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bày tỏ đồng cảm với mối lo ngại của Nhật Bản về vấn đề tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên, vấn đề số phận của các công dân Nhật Bản bị bắt giữ tại Triều Tiên, cũng như an ninh khu vực.
Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản về vấn đề Triều Tiên cũng như cam kết đảm bảo an ninh của Nhật Bản. Tại cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuần trước, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ Philip Davidson cũng khẳng định mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản vẫn là hòn đá tảng trong chính sách an ninh của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
“Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản là một đảm bảo đối với hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới. Chúng tôi tiếp tục cam kết đối với các mối quan hệ đồng minh cũng như an ninh của Nhật Bản. Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản để tăng cường một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương cởi mở và tự do”.
Có thể nói quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên đã chứng kiến những chuyển biến tích cực hiếm thấy đánh dấu bằng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên hôm 12/6 vừa qua tại Singapore. Mặc dù vậy, vẫn có những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến triển vọng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Việc Mỹ tiếp tục nâng cấp Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại Hàn Quốc không chỉ vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Triều Tiên mà còn của Trung Quốc- nước đang đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên đã nhiều lần cho rằng "không còn bất cứ sự biện minh hay lý do nào" cho sự hiện diện của THAAD tại Hàn Quốc và việc triển khai THAAD là hành động nhằm chống lại mối quan hệ liên Triều.
Trong khi đó, một trang web chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên thuộc viện Nghiên cứu Mỹ - Triều, Đại học Johns Hopkins cho biết, Triều Tiên vẫn tiếp tục nâng cấp nhanh chóng cơ sở hạ tầng của cơ sở hạt nhân tại tỉnh tây bắc Yongbyonh. Chính vì vậy, để tiến tới một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên như dư luận mong đợi vẫn chờ đợi những hành động chân thành và kiên quyết hơn nữa từ hai bên.