Cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu theo hướng không bắt buộc tất cả các dự án phải áp dụng tiêu chuẩn diện tích tối thiểu 45m2.
Thay vào đó, có thể cho phép xây dựng một tỉ lệ nhất định (20%-25%) số căn hộ chung cư có diện tích nhỏ từ 25m2 - 45m2 đối với các dự án nhà ở tại khu vực trung tâm. Đối với dự án ngoài khu vực trung tâm có thể áp dụng tỉ lệ căn hộ diện tích nhỏ cao hơn.
Theo Bộ Xây dựng, quy định tại khoản 1 điều 40 Luật Nhà ở năm 2005 cho thấy, nhà chung cư phải thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích xây dựng mỗi căn hộ không thấp hơn 45m2.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, có nhiều địa phương, doanh nghiệp đã gửi văn bản tới Bộ Xây dựng đề nghị cho phép đầu tư xây dựng nhà ở thương mại với diện tích 30 - 40m2.
Bộ Xây dựng cho rằng trên thực tế, nhu cầu căn hộ có diện tích nhỏ dưới 45m2 để phục vụ đối tượng có thu nhập thấp, độc thân, hộ gia đình trẻ 2-3 người tại các khu đô thị lớn, các khu vực phát triển khu công nghiệp tương đối nhiều và đã được đầu tư xây dựng tại một số địa phương.
Về ý kiến của UBND TP.HCM nhận định căn hộ nhỏ dưới 45m2 sẽ làm gia tăng dân số, tăng áp lực về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phá vỡ quy hoạch được duyệt, Bộ Xây dựng nói rằng công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự, mỹ quan đô thị không chỉ phụ thuộc vào quy định diện tích tối thiểu căn hộ chung cư mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Đối với các dự án nhà ở thì việc xác định các chỉ tiêu quy hoạch để kiểm soát dân số, mật độ xây dựng, chiều cao công trình được thực hiện theo pháp luật về quy hoạch, quy chuẩn quốc gia và quy hoạch chi tiết của dự án do cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước trên thế giới đều cho phép xây dựng căn hộ có diện tích nhỏ như Hàn Quốc 14m2, Pháp 15m2, Thái Lan 15-20m2… Tuy nhiên, các quốc gia này vẫn thực hiện tốt việc quản lý dân số, quản lý quy hoạch – kiến trúc và bảo đảm điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các đô thị”, Bộ Xây dựng nhìn nhận.
Theo Vietnamnet