Điểm tham quan trị giá hàng triệu đô-la này là một phần trong kế hoạch của chính phủ Indonesia nhằm đại tu ngành du lịch ở Vườn quốc gia Komodo.
Bức ảnh chiếc xe tải xây dựng đối đầu với một con rồng Komodo đã khiến dư luận đặt câu hỏi về việc phát triển du lịch có thể tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn loài bò sát lớn nhất thế giới này.
Các nhà chức trách Indonesia khẳng định không có con rồng nào bị tổn hại sau khi bức ảnh được lan truyền trên mạng và sự an toàn của loài bò sát này là điều tối quan trọng.
Rồng Komodo chỉ được tìm thấy ngoài tự nhiên trên một số hòn đảo của Indonesia. Du khách quốc tế rất thích thú trước việc ngắm loài bò sát tồn tại từ thời kỳ khủng long này và nhờ đó đem lại doanh thu cho ngành du lịch Indonesia. |
Với quyết tâm bảo tồn loài rồng Komodo, chính phủ Indonesia đã quyết định đóng cửa Đảo Komodo - nơi có số lượng rồng lớn nhất, cũng như trục xuất 2.000 cư dân trên đảo. Tuy nhiên chính sách này đã bị bãi bỏ do vấp phải phản ứng của dư luận trong nước.
Thay vào đó, chính phủ Indonesia sẽ cung cấp gói tham quan đảo trị giá 1.000 USD thay vì mở cửa cho phần lớn du khách quốc tế nhằm bảo vệ loài rồng cùng môi trường sống của chúng.
Bù lại, Indonesia cũng lên kế hoạch phát triển du lịch đại trà trên đảo Rinca lân cận, nơi có số lượng rồng Komodo lớn thứ hai cả nước. Dự án này được mệnh danh "Công viên kỷ Jura" ở Indonesia và sẽ hoàn thành vào tháng 6 năm 2021.
Cuối tuần qua, hình ảnh một con rồng Komodo đối đầu với một chiếc xe tải xây dựng trên đảo Rinca đã được lan truyền rộng rãi trên Twitter và Instagram.
"Đây là lần đầu tiên rồng Komodo nghe thấy tiếng gầm rú của động cơ và mùi khói. Tác động tương lai của những dự án này sẽ ra sao? Có ai còn quan tâm không sự bảo tồn?", nhóm bảo tồn Save Komodo Now đặt câu hỏi.
Trong khi đó, trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Hệ sinh thái thuộc Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia khẳng định: “Không có con rồng Komodo nào sẽ trở thành nạn nhân."
Hiện chỉ còn khoảng 3.000 con rồng Komodos sinh sống ngoài tự nhiên, theo số liệu của chính phủ Indonesia. Những con rồng này có thể dài tới 3m, với hàm răng sắc như dao cạo và vết cắn có nọc cực độc. Khoảng 1.700 con rồng sinh sống trên đảo Komodo và 1.000 con khác sống trên đảo Rinca. Vườn quốc gia Komodo từ lâu đã được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO.