Hôm thứ Ba, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã công bố quyết định luận tội Tổng thống Donald Trump.
"Hành động của Tổng thống Trump đã tiết lộ sự thật phũ phàng về sự phản bội của Tổng thống về lời thề của ông ta, phản bội an ninh quốc gia của chúng ta và phản bội sự toàn vẹn của các cuộc bầu cử của chúng ta", bà Pelosi nói trên sóng truyền hình. "Do đó, hôm nay tôi tuyên bố Hạ viện đang tiến hành một cuộc điều tra luận tội chính thức."
Ông Trump đã phản ứng với thông báo này bằng cách mô tả đây là một "cuộc săn phù thủy tàn khốc nhất mọi thời đại", và chỉ trích đảng Dân chủ vì tập trung vào một chương trình nghị sự đảng phái để làm tổn thương chính phủ Cộng hòa, thay vì làm luật.
Thông báo luận tội của bà Pelosi vẫn còn cách một chặng đường dài để loại bỏ ông Trump khỏi văn phòng. Dưới đây là cách thức ngắn gọn diễn giải thủ tục luận tội một Tổng thống.
Quá trình
Quyền luận tội các quan chức công cộng được bảo đảm trong Hiến pháp Mỹ, Điều 1, Mục 2 và 3, và tại Điều II, Mục 4. Theo Hiến pháp Mỹ, cơ quan duy nhất có quyền luận tội là Hạ viện.
Luận tội là một thủ tục gồm ba bước, bắt đầu bằng một cuộc điều tra của Quốc hội, thường bắt đầu từ Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nhưng có thể được khởi xướng bởi một cơ quan khác như Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Vào thứ Ba, bà Pelosi đã gặp gỡ những người đứng đầu 6 Ủy ban của quốc hội, và giới phân tích tin rằng cuộc họp được tổ chức để quyết định ai sẽ tiến hành điều tra sơ bộ.
Hạ viện sau đó tổ chức bỏ phiếu luận tội, phải được bảo đảm với đa số phiếu. Nếu bỏ phiếu thông qua, vị quan chức bị nhắm mục tiêu sẽ được coi là "bị luận tội", nhưng điều đó chưa dẫn đến việc người đó bị loại khỏi văn phòng.
Quan chức bị luận tội sau đó phải được xét xử tại Thượng viện. Nếu 2/3 số phiếu của Thượng viện được bảo đảm ủng hộ luận tội, thì quan chức đó sẽ bị kết án và bị cách chức. Phó Tổng thống chủ trì trong hầu hết các phiên tòa luận tội, nhưng trong trường hợp xét xử luận tội Tổng thống, thì chánh án của tòa án Mỹ sẽ chủ trì.
Căn cứ luận tội
Theo Hiến pháp Mỹ, các quan chức được bầu có thể bị luận tội dựa trên căn cứ các tội danh: "Phản quốc, Hối lộ, hoặc các Tội ác khác". Các Tội ác khác bao gồm 3 loại hành vi chính: Vượt quá hoặc lạm dụng quyền hạn của văn phòng; hành vi không tương thích với chức năng và mục đích của văn phòng; và sử dụng vị trí cho mục đích không phù hợp hoặc vì lợi ích cá nhân.
Có khả năng Hạ viện Mỹ sẽ gán tội danh Phản quốc để luận tội ông Trump, sau khi bà Pelosi cho rằng ông Trump đã xâm phạm An ninh quốc gia.
Không phải mọi tội phạm đều được coi là căn cứ để luận tội. Vào năm 1974, Ủy ban Tư pháp đã bỏ qua các cáo buộc gian lận thuế đối với Tổng thống Richard Nixon, nói rằng nó liên quan đến "hành vi riêng tư, không phải hành vi lạm dụng quyền lực trên tư cách Tổng thống".
Ai có thể bị luận tội?
Hiến pháp Mỹ nói rằng Tổng thống, Phó Tổng thống và các quan chức dân sự của Mỹ phải tuân theo thủ tục luận tội. Hiến pháp không nêu rõ ai đủ tư cách là một quan chức dân sự. Các mục tiêu phổ biến nhất của luận tội là các thẩm phán liên bang.
Các nhà lập pháp không được coi là quan chức dân và do đó không thể bị luận tội theo Hiến pháp. Năm 1798, Hạ viện luận tội Thượng nghị sĩ William Blount, nhưng Thượng viện xác định họ không có quyền lực đối với các thành viên của chính mình. Mặc dù vậy, ông Blount đã bị trục xuất khỏi Thượng viện như một biện pháp kỷ luật.
Ai đã bị luận tội?
Chỉ có 19 quan chức dân sự đã bị luận tội và 8 người bị cách chức trong suốt lịch sử của nước Mỹ. Trong số 19 người bị luận tội, 15 người là thẩm phán liên bang và trong số đó, 8 người đã bị cách chức.
Hai tổng thống Mỹ đã bị luận tội là Andrew Johnson vào năm 1868 và Bill Clinton vào năm 1998. Tuy nhiên, cả hai cuộc luận tội đều không thông qua Thượng viện và cả hai Tổng thống vẫn tại vị sau đó. Tuy nhiên, một trường hợp cụ thể nổi bật là cựu Tổng thống Nixon đã từ chức trước khi thủ tục luận tội bắt đầu. Người ta tin rằng bản luận tội của Nixon có khả năng thành công và buộc ông phải rời khỏi vị trí Tổng thống. Do đó, cho tới nay Nixon vẫn là Tổng thống Mỹ cận kề nhất với một bản án.