Hãng nghiên cứu Moody's vừa công bố một báo cáo cho thấy, các công ty phi tài chính của Mỹ nắm giữ khoảng 1.840 tỷ USD tiền mặt tính đến cuối năm 2016. Con số này tăng 11% so với năm 2015 và gần 2,5 lần so với năm 2008.
Tuy nhiên, 70% số tiền này - khoảng 1.300 tỷ USD đang được các doanh nghiệp cất giữ ở nước ngoài, để không phải chịu các chính sách thuế của Mỹ. Trong đó, Apple, Alphabet - Công ty mẹ của Google, Microsoft, Cisco và Oracle dự trữ 88% lượng tiền mặt tại nước ngoài.
Ba đại gia Apple, Google và Microsoft sở hữu 464 tỷ USD tiền mặt. Còn Cicso, Oracle nắm giữ 71,8 tỷ USD và 58,2 tỷ USD.
Moody's cho rằng "núi tiền" được rải rác ở nước ngoài phản ánh mặt tiêu cực của chính sách thuế đánh vào số tiền được chuyển về Mỹ. Chính phủ Mỹ đã đề xuất miễn thuế một lần để khuyến khích các doanh nghiệp mang tiền trở về quốc gia này.
Hồi tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin cho rằng việc Apple để toàn bộ tiền mặt tại nước ngoài cho thấy mức thuế tại Mỹ cao hơn hẳn các quốc gia khác. "Tại sao họ phải đem tiền mặt trở về và phải chịu trả mức thuế cao hơn?", ông Mnuchin chia sẻ.
Lượng tiền mặt khổng lồ cho thấy các doanh nghiệp Mỹ khoẻ mạnh như thế nào kể từ sau cuộc Đại suy thoái. Tuy nhiên, sự miễn cưỡng chi tiêu của các công ty đã ảnh hưởng lớn tới khả năng phục hồi. Lượng tiền mặt nằm trong bản cân đối kế toán sẽ không được đầu tư vào những công việc như xây dựng nhà máy mới.
Theo Moody's, chi tiêu vốn của các doanh nghiệp Mỹ giảm 18 % xuống 727 tỷ USD trong năm ngoái. Phần lớn sự suy giảm này là do sự suy thoái của ngành dầu mỏ, buộc các công ty năng lượng phải đảm bảo tiền mặt bằng cách đầu tư trì hoãn. Thậm chí, chi tiêu cho cổ tức, cổ phiếu cũng giảm.