Hồi tháng 4, hàng triệu người đã tham gia lễ hội tôn giáo Kumbh Mela tại Ấn Độ, trong đó có sự tham gia của cựu vương của Nepal Gyanendra Shah và phu nhân. Tại sự kiện đó, cựu vương đã thực hiện nghi thức ngâm mình dưới sông Hằng, cũng như tiếp xúc với nhiều người xung quanh.
Khi trở về Nepal, hàng trăm người đã tụ tập để chào đón gia đình cựu vương tại sân bay thuộc thủ đô Kathmandu. Vài ngày sau, những người này đồng loạt được chẩn đoán dương tính với COVID-19.
Nepal có chung đường biên giới với 5 bang của Ấn Độ và cũng là nước láng giềng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình hình dịch bệnh tại quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới. Hàng nghìn lao động Nepal đang làm việc tại Ấn Độ đã trở về nước và mang theo mầm bệnh khiến các ca mắc gia tăng chóng mặt.
Hiện Nepal đã trải qua ba ngày liền có hơn 7.000 ca nhiễm mới, các biến thể phổ biến tại nước này có nguồn gốc từ Anh và Ấn Độ.
Không chỉ có Nepal phải chịu "vạ lây" từ tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ, các quốc gia khác như Pakistan và Bangladesh đang hết sức cảnh giác trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng y tế.
Để tự bảo vệ mình, các nước trên đã cấm các chuyến bay tới từ Ấn Độ và đóng cửa biên giới.
Bộ Y tế Nepal hôm thứ Ba cho biết rằng nước này ghi nhận 7.660 ca bệnh mới và 55 ca tử vong, trong tổng dân số 24 triệu dân. Hôm thứ Tư, các nhà chức trách nước này cũng đã kéo dài lệnh phong toả đối với thủ đô Kathmandu và khu vực lân cận thêm một tuần nữa.
Cảnh tượng chết chóc ở Ấn Độ trong những tuần gần đây dường như đang được tái hiện ở thủ đô Kathmandu, các bệnh viện cho biết họ gần như bị quá tải, trong khi các lò hỏa táng hiếm khi tắt lửa.
Giống như các quốc gia khác trong khu vực, Nepal hiện cũng đang phải vật lộn với tình trạng thiếu vaccine ngừa COVID – 19. “Những người đã tiêm liều đầu tiên vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh nếu họ không được tiêm liều thứ hai trong thời gian quy định”, ông Samir Adhikari, một quan chức Bộ Y tế Nepal cho biết.
Mới đây, Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli đã kêu gọi các nhà tài trợ nước ngoài cung cấp vaccine và thuốc đặc trị để ngăn chặn một kịch bản khủng hoảng như ở Ấn Độ.
Pakistan cũng đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng trong những ngày gần đây. Đầu tuần này, Pakistan thông báo họ sẽ cắt giảm 20% số lượng các chuyến bay quốc tế đến nước này từ ngày 5/5, và sẽ kéo dài kỳ nghỉ lễ Eid.
Đã xuất hiện những lo ngại rằng lễ hội Eid, đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan, có thể dẫn đến một làn sóng lây nhiễm tương tự như năm ngoái.
Tuần trước, tỉnh Sindh của Pakistan đã phát hiện một số ca bệnh mang biến thể Nam Phi và Brazil.
Cho đến nay, chỉ có khoảng 2 triệu người đã được tiêm chủng ở đất nước 220 triệu dân này, tỷ lệ thấp nhất ở khu vực Nam Á. Sự chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng đang là một trở ngại lớn đối với Pakistan trong việc kiểm soát đại dịch.
Viện Khoa học Y tế ở Islamabad - bệnh viện công lớn nhất của Pakistan, đã sử dụng hết giường bệnh.
“Tình hình thật tồi tệ”, một bác sĩ giấu tên chia sẻ về tình trạng dịch bệnh tại Pakistan. “Chúng tôi đang cạn kiệt mọi nguồn lực. Hầu hết các khoa điều trị các bệnh khác đều đã được chuyển sang điều trị các ca mắc COVID-19. Chúng tôi vẫn không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân. Chúng tôi cần thêm y tá, thuốc đặc trị và hơn hết là chúng tôi cần không gian. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của các chuyên gia và lực lượng bác sĩ".
Trước nguy lây lan nhanh chóng các ca bệnh nhiễm biến thể mới từ Ấn Độ, Bangladesh đã quyết định đóng cửa biên giới, một số chuyên gia khuyến cáo nước này không nên mở cửa cho đến khi tình hình của các nước láng giềng được cải thiện.
Sự gia tăng các ca bệnh ở Bangladesh bắt đầu cùng lúc với làn sóng dịch bệnh tại Ấn Độ, vào giữa tháng 3. Trước tình hình đó, nước này đã đẩy mạnh xét nghiệm để truy vết các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Bangladesh cũng gặp khó khăn trong việc tiến hành chiến dịch tiêm chủng do thiếu nguồn cung vaccine.
Cho đến nay, Bangladesh mới nhận được khoảng 7,5 triệu trong tổng số 30 triệu liều vaccine, bao gồm vaccine do Trung Quốc và Nga sản xuất.