Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định số 2256/QĐ-BCT quy định về giá bán điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Theo đó, từ hôm nay (16/3), mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.622,01 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 7,5% so với giá điện bình quân hiện hành là 1.508,85 đồng/KWh.
Cụ thể, theo quyết định này, quy định giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 6 bậc: Bậc 1 cho kW từ 0-50 là 1.484 đồng/kWh; Bậc 2 cho kW từ 51 - 100 là 1.533 đồng/kWh; Bậc 3 cho kW từ 101 - 200 là 1.786 đồng/kWh; Bậc 4 cho kW từ 201 - 300 là 2.242 đồng/kWh; Bậc 5 cho kW từ 301 - 400 là 2.503 đồng/kWh; Bậc 6 cho kW từ 401 trở lên là 2.587 đồng/kWh.
Ở cấp điện áp 110 kV trở lên: Giờ bình thường là 1.388 đồng/kWh; Giờ thấp điểm là 869 đồng/kWh; Giờ cao điểm là 2.459 đồng/kWh.
Biểu giá điện cho sinh hoạt mới |
Hiện nay tỷ lệ điện sinh hoạt chiếm 29% tổng sản lượng tiêu thụ điện trên toàn quốc. Trong đó, các hộ dùng dưới 50 kWh chiếm 11%, các hộ dùng từ 51 đế dưới 100 kWh chiếm 5,79%. Các hộ dân tiêu thụ điện từ 101-200 kWh chiếm 2,59%. Các hộ dân dùng từ 200 kWh đến 300 kWh chiếm 2,4%. Các hộ dân dùng từ 300 kWh đến dưới 400 kWh chiếm 1,1%. Hộ dùng trên 400kWh điện chiếm 2%. Với cách tính này, các hộ dân dùng nhiều điện, đa số ở khu vực thành thị sẽ chịu tác động tăng giá điện mạnh hơn so với các hộ khu vực nông thôn, vùng sâu, xa.
Đối với giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất
Đối với cấp điện áp từ 22 kV đến dưới 110kV: Giờ bình thường là 1.405 đồng/kWh; Giờ thấp điểm là 902 đồng/kWh; Giờ cao điểm là 2.556 đồng/kWh.
Giá bán lẻ điện cho khối hành chính sự nghiệp
Đối với bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông: Cấp điện áp từ 6 kV trở lên là 1.460 đồng/kWh; Cấp điện áp dưới 6 kV là 1.577 đồng/kWh.
Chiếu sáng công cộng, đơn vị hành chính sự nghiệp: Cấp điện áp từ 6 kV trở lên là 1.606 đồng/kWh; Cấp điện áp dưới 6kV là 1.671 đồng/kWh.
Giá bán lẻ điện cho kinh doanh
Cấp điện áp dưới 6 kV: Giờ bình thường là 2.320 đồng/kWh; Giờ thấp điểm là 1.412 đồng kWh; Giờ cao điểm là 3.991 đồng/kWh.
Đây là lần thứ 10 Việt Nam tăng giá điện trong 8 năm qua. Trong đó, mức tăng 7,5% lần này là mức cao so với bốn lần liên tục vừa qua, chỉ tăng 5% mỗi đợt. Tác động trực tiếp làm tăng CPI năm 2015 khoảng 0,23%; tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 4.800 đồng; tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 9.800 đồng; tỷ lệ tăng giá thành sản xuất đối với một số sản phẩm có mức tiêu thụ điện cao như thép, xi măng khoảng từ 0,07% - 0,66%. Riêng đối với giá điện cho nhóm khách hàng kinh doanh, dịch vụ, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét điều chỉnh giảm giá bán điện cho khách hàng kinh doanh, dịch vụ ở mức thấp hơn mức tăng bình quân 7,5%.
Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri, việc tăng giá điện 7,5% giúp Tập đoàn tăng doanh thu 13.000 tỉ đồng, tránh lỗ 12.000 tỉ đồng năm 2015, có thể lãi 1.500 tỉ đồng trong cùng năm.
Xem thêm:
Giá vàng hôm nay 16/3: Vàng trong nước giảm nhẹ, vàng thế giới tăng trước cuộc họp của FED
Sự thật về thông tin trong clip ‘Mì Hảo Hảo đốt cháy như cao su’
Dự báo giá vàng tuần tới 16/3 – 20/3: Thị trường vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh
Hải Đăng (th)