Tình trạng bất ổn có dấu hiệu gia tăng trở lại với các cuộc đảo chính quân sự liên tiếp diễn ra tại nhiều nước châu Phi trong năm 2023.
Việc quân đội lật đổ tổng thống đắc cử ngay sau khi có kết quả bầu cử tại Gabon tháng 8 vừa qua là vụ mới nhất trong hiệu ứng "đôminô đảo chính" ở châu Phi những năm gần đây, diễn ra chỉ một tháng sau khi quân đội bắt giữ Tổng thống Mohamed Bazoum và lên nắm quyền ở Niger.
Cuối tháng 9, chính quyền quân sự đương nhiệm ở Burkina Faso tuyên bố đã "trấn áp một âm mưu đảo chính", bắt giữ một số quân nhân. Đáng chú ý, chính quyền hiện nay ở Burkina Faso được lập ra sau 2 cuộc đảo chính quân sự năm 2022.
Kể từ năm 2021 tới nay, châu Phi trải qua "làn sóng đảo chính thứ ba," sau hai làn sóng binh biến giai đoạn giữa những năm 1960 -1970 và giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2001.
Riêng năm 2021 có tới 6 âm mưu đảo chính ở châu Phi, 4 trong số đó đã dẫn tới sự thay đổi chính quyền. Hàng loạt quốc gia ghi tên mình vào danh sách “vành đai đảo chính” ở khu vực Sahel châu Phi (kéo dài từ Đại Tây Dương đến Biển Đỏ): Sudan, Mali, Guinea, Burkina Faso, Chad… ngoài ra còn các cuộc đảo chính thất bại ở Guinea-Bissau, Gambia và đảo quốc Sao Tome và Principe.
Thực tế thì đảo chính đang được coi là “căn bệnh mãn tính” của châu Phi. Theo một nghiên cứu do hai chuyên gia người Mỹ là Jonathan Powell và Clayton Thyne tiến hành, hơn 200 cuộc đảo chính và binh biến đã xảy ra ở châu Phi kể từ những năm 1950 đến nay. Khoảng một nửa trong số đó đã thành công.
Trong 4 thập niên từ 1960 đến 2000, trung bình mỗi năm ở châu Phi xảy ra khoảng 4 vụ đảo chính. Quốc gia Burkina Faso ở Tây Phi là nơi đảo chính dễ dàng thành công nhất với tổng cộng 9 cuộc đảo chính và chỉ có một cuộc thất bại.
Những làn sóng cuộc đảo chính ở châu Phi trong 7 thập niên qua có liên quan trực tiếp đến bản chất và diễn biến của chính trị cũng như phản ứng của người dân. Các quốc gia xảy ra đảo chính ở châu Phi đều mang những đặc điểm chung, chẳng hạn như nghèo đói và kinh tế kém phát triển.
Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế châu Phi thuộc Liên hợp quốc (ECA), hiện có tới 546 triệu người châu Phi đang sống trong nghèo đói, tăng 74% kể từ năm 1990 và 10 quốc gia thuộc châu lục này phải đối mặt với tình trạng nghèo khổ đáng báo động.
Tại Niger, hơn 41% trong số khoảng 25 triệu dân sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, và các khoản viện trợ từ nước ngoài chiếm đến 40% ngân khố quốc gia.
Niger xếp hạng thứ 189/191 về chỉ số phát triển con người, đồng thời cũng là nước nghèo đứng thứ bảy trong số các nước nghèo nhất thế giới, dù quốc gia Tây Phi này là một trong những nước xuất khẩu urani nhiều nhất thế giới, có mỏ vàng và một mỏ dầu trữ lượng lớn.
Nghèo đói càng khoét sâu thêm tình trạng bất bình đẳng. Theo Ngân hàng Thế giới, 10% người giàu nhất ở châu Phi kiểm soát hơn 40% tài sản, trong khi 50% người nghèo nhất chia sẻ chưa đến 10% tài sản.
Mức độ bất bình đẳng cao dẫn đến sự bất mãn trong dân chúng, gây bất ổn xã hội và đây cũng là một phần nguyên nhân khiến người dân có xu hướng ủng hộ các lực lượng đảo chính với hy vọng sự thay đổi chính quyền có thể mang lại một cuộc sống đầy đủ và tốt đẹp hơn.
Tình trạng quản lý yếu kém và tham nhũng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới đảo chính ở châu Phi. Theo Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2022 của Tổ chức Minh bạch quốc tế, 43 trong số 54 nước châu Phi được khảo sát xếp hạng dưới 50, chỉ dấu cho thấy những vấn đề tham nhũng nghiêm trọng.
Điều đó làm xói mòn lòng tin của người dân, dẫn tới tâm lý bất bình trong xã hội. Bên cạnh đó, một loạt cuộc chính biến ở các quốc gia châu Phi cũng xuất phát từ tình trạng tranh giành quyền lực.
Một yếu tố nữa phải kể tới là bất ổn an ninh. Cho đến nay, nhiều quốc gia châu Phi vẫn phải đối mặt với các thách thức của bạo lực, xung đột, khủng bố và tội phạm có tổ chức.
Điều này tạo ra khoảng trống quyền lực mà các lãnh đạo quân đội có thể lợi dụng để lật đổ chính phủ. Mặc dù Pháp có 1.500 binh sỹ đồn trú tại Niger, trong khi số lượng quân Mỹ hiện diện ở nước này nhằm thực hiện sứ mệnh chống khủng bố là 1.000 người, nhưng từ lâu, các nhóm cực đoan Hồi giáo hoạt động rất mạnh ở khu vực Sahel.
Ở phía Đông Nam Niger, nhóm Boko-Haram chiếm giữ khu vực xung quanh hồ Chad, giữa Nigeria và Chad. Ở phía Tây Nam, ngang biên giới với Mali và Burkina Faso, các nhóm Al-Qaeda và Daesh tiếp tục kiểm soát một số vùng lãnh thổ. Vì vậy, Niger thường xuyên bị tấn công khiến hàng nghìn người thiệt mạng trong vài năm qua.
Một yếu tố nữa cũng được nhắc tới, là việc những thế lực bên ngoài, chủ yếu là các cường quốc, có thể giật dây gây ra lật đổ, hỗ trợ các vụ chính biến nhằm thúc đẩy lợi ích riêng như tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên hoặc gây ảnh hưởng đến đường hướng chính trị của một quốc gia tại châu lục này.
Các cuộc đảo chính lật đổ chính quyền tạo ra tình trạng bất ổn chính trị và sự hỗn loạn về thể chế trong khu vực. Nhiều nước châu Phi đang rơi vào vòng luẩn quẩn, trong đó những thay đổi về chế độ diễn ra thông qua các biện pháp vi hiến đang cản trở sự phát triển ổn định và đảo ngược quá trình dân chủ hóa trên lục địa này.
Điều đó lại kéo dài thêm tình trạng bất ổn, nghèo đói và bất bình đẳng diễn ra từ nhiều năm ở châu Phi.
Sau cuộc đảo chính ở Niger, nhiều quốc gia phương Tây bày tỏ lo ngại sâu sắc bởi sự ổn định của Niger có tầm quan trọng chiến lược trong nỗ lực hạn chế tình trạng di cư ồ ạt từ châu Phi cận Sahara.
Niger lâu nay đóng vai trò là đồng minh chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) trong việc ngăn chặn dòng người di cư tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở châu Âu thông qua tuyến đường Địa Trung Hải. Nếu sự ổn định ở Niger bị phá vỡ, dòng người di cư sẽ tăng mạnh, làm trầm trọng thêm những thách thức di cư hiện có mà các quốc gia châu Âu phải đối mặt.
Làn sóng đảo chính còn làm gia tăng nguy cơ khủng bố ở "Lục địa đen." Các nhóm cực đoan đang ẩn náu tại khu vực có thể lợi dụng tình hình bất ổn chính trị và khoảng trống an ninh sau đảo chính tại nhiều nước để thực hiện các vụ tấn công, khủng bố.
Dưới thời Tổng thống Mohamed Bazoum, Niger là đối tác quan trọng của các lực lượng quốc tế nhằm đối phó với các tay súng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al-Qaeda.
Giờ đây, “Lục địa đen” đứng trước nguy cơ trở thành căn cứ địa, điểm trú ẩn an toàn cho các nhóm cực đoan quốc tế mở rộng ảnh hưởng, chiêu mộ thành viên và thực hiện các âm mưu tấn công trong và ngoài khu vực.
Có thể thấy, những diễn biến đảo chính tại khu vực Tây và Trung Phi đang kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Bất ổn chính trị càng làm trầm trọng thêm vấn đề nghèo đói và tình trạng bất bình đẳng xã hội, trong khi châu Phi lâu nay vẫn phải đối mặt với những thách thức như xung đột triền miên, chia rẽ về vấn đề kinh tế, an ninh và sắc tộc, vấn đề biến đổi khí hậu…
Việc giải quyết thách thức này đòi hỏi một cách tiếp cận đa diện với sự tham gia hỗ trợ tích cực của cả các tổ chức khu vực và quốc tế, cùng những giải pháp căn cơ cho những vấn đề gốc rễ.