Mới đây nhất, ngày 28.11, Công ty TNHH GUTRIP tổ chức tour gồm 64 người từ TP Hồ Chí Minh đến trải nghiệm tuyến leo núi Bidoup, thuộc địa bàn huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Khi qua cầu treo K’Long K’Lanh, do cầu bị lũ cuốn, 2 nữ du khách đã rơi xuống sông và tử vong. Trước sự việc trên, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) đã yêu cầu đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát hồ sơ các doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Kết quả cho thấy, Công ty TNHH GUTRIP là đơn vị tổ chức tour nhưng chưa được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Vừa cách đây mấy tháng, khi tham gia giải chạy Siêu Marathon quốc tế Dalat Ultra Trail - 2020, một nam du khách cũng bị lũ cuốn trôi dẫn đến tử vong ngay tại huyện Lạc Dương. Trước đó, vụ việc 36 du khách ở TP Hồ Chí Minh cùng 9 người dân huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) tự tổ chức tour leo núi Tà Giang, một điểm du lịch tự phát chưa được cấp phép hoạt động và bị mất liên lạc do thời tiết mưa, lũ đã gây xôn xao dư luận. May mắn là lực lượng chức năng huyện Khánh Sơn đã tìm kiếm, giải cứu thành công nhóm khách này xuống núi an toàn.
Những tour du lịch “chui” hoạt động ở các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên ngày càng nhiều và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi: Tại sao chỉ khi gây ra hậu quả thì cơ quan chức năng mới vào cuộc và tổ chức rà soát, kiểm tra? Việc phát hiện, ngăn chặn các sai phạm trước khi hoạt động du lịch diễn ra là không nhiều. Nói về hậu quả của hoạt động “ngoài luồng” này, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Du lịch tự phát không nhiều nhưng đã và đang tạo ra những hình ảnh xấu xí, ảnh hưởng đến ngành Du lịch ở địa phương. Hiện nay, chúng tôi đang cho rà soát lại các đơn vị du lịch trên địa bàn, khi phát hiện sai phạm sẽ kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”.