Cần tạo đột phá phát triển ngành công nghiệp văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sáng 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam". Đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Cần tạo đột phá phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, các nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Công nghiệp văn hóa bao gồm các lĩnh vực: Điện ảnh, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, xuất bản, thời trang, phát thanh, truyền hình, phần mềm, các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ…

Công nghiệp văn hóa đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam; kinh nghiệm của các nước; đề xuất những giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.

Hội nghị đánh giá, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong giai đoạn năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất ngành công nghiệp văn hóa ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp văn hóa còn những khó khăn, hạn chế như: Chưa có khung pháp lý, cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển công nghiệp văn hóa; nguồn lực đầu tư còn dàn trải; nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa chưa tập trung khai thác các giá trị truyền thống, văn hóa bản địa; tình trạng vi phạm bản quyền…

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông Bình Hạnh Đan (BHD) cho rằng, công tác quản lý, cơ chế chính sách, đầu tư, vai trò dẫn dắt… của Nhà nước đối với ngành công nghiệp văn hóa chưa được như các ngành kinh tế khác. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của ngành công nghiệp văn hóa, nhất là yếu tố rủi ro trong đầu tư và các thủ tục hành chính trong sản xuất, thực hiện các dịch vụ, sản phẩm văn hóa.

Bằng các dẫn chứng cụ thể, Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Việt Nam có một kho tàng văn hóa bản địa đồ sộ và vô giá, song nền móng này chưa được khai thác, phát huy để tạo ra những tác phẩm, sản phẩm văn hóa có giá trị trường tồn. Do đó, cần có giải pháp, phát huy giá trị truyền thống, tạo một làn sóng sáng tạo và kết nối toàn cầu xây dựng, quảng bá công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group đề xuất, cần xây dựng quy hoạch công nghiệp văn hóa; có cơ chế chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp văn hóa; cơ chế hợp tác công tư trong xây dựng các công trình văn hóa tầm cỡ thế giới như nhà hát, trung tâm thể thao, công viên văn hóa; đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa…

Dẫn chứng vai trò của công nghiệp văn hóa trong quảng bá sản phẩm nông nghiệp, du lịch, công nghiệp… cả ở trong nước và nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề xuất, các nhà sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa cần chú ý và được hỗ trợ nhiều hơn để thông qua đó tăng giá trị, lan tỏa các giá trị văn hóa, sản phẩm, hình ảnh đất nước trên toàn thế giới...

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã rất chủ động phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có việc ban hành chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, để công nghiệp văn hóa, cần có các chính sách ưu đãi vượt trội, phù hợp với tính đặc thù của ngành như chính sách về đất đai, tín dụng, thuế và khuyến khích đổi mới, sáng tạo; đặc biệt phải gắn Chương trình mục tiêu Quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa với phát triển công nghiệp văn hóa.

Kết luận hội nghị, nhắc lại nội dung các nghị quyết, chiến lược liên quan phát triển ngành công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, công nghiệp văn hóa Việt Nam bước đầu phát triển và đạt được một số kết quả đáng khích lệ, một số lĩnh vực dần vươn lên trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm; đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Trong đó, đã có sự thống nhất chung trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công nghiệp văn hóa Việt Nam được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình và bối cảnh mới; công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế- xã hội chung của đất nước, với 3,92% GDP trong năm 2021 và tăng lên 4,04% GDP trong năm 2022; các sản phẩm công nghiệp văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú; ngày càng nhiều doanh nghiệp, người lao động tham gia phát triển công nghiệp văn hóa; mô hình tổ chức đào tạo nhân lực cho phát triển công nghiệp văn hóa từng bước được hoàn thiện theo hướng phù hợp, chuyên nghiệp, bài bản; mạng lưới liên kết, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công nghiệp văn hóa được chú trọng, đạt được kết quả bước đầu.

Thủ tướng khẳng định, đạt được những kết quả đáng ghi nhận đó là nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành; sự phối hợp, hỗ trợ của bạn bè quốc tế; sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ nhân lực sáng tạo, những người hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa trong và ngoài nước.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, công nghiệp văn hóa chưa phát triển tương xứng tiềm năng. Công nghiệp văn hoá là phạm trù rộng, tuy nhiên, chưa quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn đối với một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp văn hóa; cơ chế phối hợp thiếu đồng bộ. Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chưa theo kịp thực tiễn. Nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải. Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn hạn chế. Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa chưa chuẩn hóa được phương pháp thống kê, thiếu hệ thống theo dõi, nên rất khó đánh giá tình hình phát triển…

Sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững

Nêu rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh tình hình, thách thức đặt ra đối với các ngành công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, công nghiệp văn hóa là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, dễ mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại.

Trong đó, Việt Nam có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, đa dạng, có bản sắc riêng và điều kiện thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú và thị trường quy mô lớn; đặc biệt cộng đồng 54 dân tộc có bản sắc độc đáo, trong tổng thể văn hóa Việt Nam; những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 40 năm đổi mới tạo những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có ngành công nghiệp văn hóa; Việt Nam đã và đang đẩy mạnh quá trình hội nhập sâu rộng về nhiều mặt tạo điều kiện, cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công nghiệp văn hóa.

Người đứng đầu Chính phủ quán triệt 6 quan điểm trong phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, phát triển công nghiệp văn hóa phải góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; kết nối các hoạt động sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật với sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa; dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, có tính cạnh tranh cao, đồng thời đa dạng hóa, liên kết đa ngành, đa lĩnh vực; phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường và xu thế của thời đại.

Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố "sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững", trên nền tảng "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng"; từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp lớn hơn vào GDP.

Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan hoàn thiện, trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đề cập nhiệm vụ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới; xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan hỗ trợ và khuyến khích liên kết, hình thành mạng lưới các trung tâm công nghiệp văn hóa, các không gian sáng tạo trên cả nước và kết nối với quốc tế; xây dựng hồ sơ và đăng ký tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; tăng cường kết nối thị trường cho các sản phẩm sân khấu, âm nhạc, chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các thành phố lớn, khu vực trung tâm ở trong nước và quốc tế; xây dựng phương án phát triển thiết kế mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật công nghiệp, thiết kế đồ họa; khuyến khích các sáng tạo đột phá khai thác giá trị văn hóa Việt Nam trong thiết kế bao bì sản phẩm, giao diện, quảng cáo và truyền thông, trang trí, thiết kế thời trang và may mặc.

Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu và hình thành bản đồ số về các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan trên không gian mạng và môi trường kỹ thuật số. Xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa; đề xuất xây dựng kế hoạch đổi mới hoạt động đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công nghiệp văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng kỹ thuật số; tổ chức thường niên các sự kiện ở cấp Quốc gia và quốc tế để kết nối, giao lưu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa, lồng ghép trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; công bố, giới thiệu, vinh danh các cá nhân, đơn vị và doanh nghiệp có nhiều đóng góp hiệu quả.

* Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa

Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có các chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa gắn với thực hiện chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa có tiềm năng xuất khẩu.

Thủ tướng yêu cầu đầu tư, khai thác, hỗ trợ phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP; tập trung đầu tư, khai thác các sáng tạo đột phá trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, xây dựng và thiết kế nội thất, đặc biệt đối với quy hoạch đô thị; triển khai hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tăng cường bảo vệ tài sản sáng tạo trong các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết để đảm bảo lợi ích hợp pháp của các chủ thể sáng tạo; bồi dưỡng, đào tạo tại các cơ sở đào tạo giảng viên cho các ngành công nghiệp văn hóa; tập trung đầu tư, khai thác, hỗ trợ phát triển ngành phần mềm và các trò chơi giải trí; đưa các giá trị văn hóa truyền thống, nghệ thuật, lịch sử Việt Nam vào phần mềm ứng dụng tương tác.

Chuyển dịch từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công phần mềm sang sản xuất phần mềm thương hiệu Việt (Make in Vietnam), từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, từ thị trường trong nước sang thị trường quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành hệ thống thông tin dữ liệu và phát triển hệ sinh thái trực tuyến cho các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các hiệp hội phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động, làm giàu chính đáng, tuân thủ đúng pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Cộng đồng các doanh nghiệp cần phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh kết nối, hợp tác cùng phát triển; đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ; đề cao ý thức, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng; tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đối với các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục phát huy tâm huyết của mình trong việc nghiên cứu, sáng tạo những tác phẩm, sản phẩm công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng; khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan luôn đồng hành ủng hộ, tạo điều kiện cho các chuyên gia hoạt động với đam mê sáng tạo nghệ thuật chân chính; tin tưởng sau hội nghị này sẽ có động lực, khí thế mới phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Bình luận
Thả cá chép, tiễn ông Công, ông Táo
Thả cá chép, tiễn ông Công, ông Táo
(Ngày Nay) - ​​​​​​​Theo truyền thống, vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, mỗi gia đình Việt đều soạn mâm cơm cúng, tiễn ông Công, ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo tình hình năm qua và xin may mắn, sức khỏe, tài lộc cho gia đình ở năm mới. Trong đó, một nghi thức không thể thiếu là phong tục thả cá chép ra sông, hồ, bởi theo quan niệm dân gian, cá chép sẽ hóa rồng, đưa các vị Táo quân lên Trời.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Giám đốc điều hành của SoftBank Group Corp. Masayoshi Son; đồng sáng lập và Chủ tịch điều hành của Oracle Corp. Larry Ellison và Giám đốc điều hành của OpenAI Inc. Sam Altman tại Phòng Roosevelt của Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 21/1. Ảnh: CNN.
Mỹ đầu tư 500 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng Trí tuệ Nhân tạo
(Ngày Nay) - Ngày 21/1, Tổng thống Donald Trump đã xuất hiện cùng ông Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI; ông Masayoshi Son, Giám đốc điều hành SoftBank; ông Larry Ellison, Chủ tịch Oracle để công bố thành lập công ty mới có tên Stargate nhằm phát triển hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Mỹ.
Lời Phật dạy về 5 nghề không nên làm
Lời Phật dạy về 5 nghề không nên làm
(Ngày Nay) - Kinh doanh, buôn bán là một trong những nghề nghiệp đem lại hiệu qua kinh tế cao, có nhiều cơ hội để thành công trở nên giàu có nhưng đồng thời cũng dễ dàng chuốc lấy thất bại.