Một loạt hợp đồng quân sự đã xuất hiện kể từ khi Saudi Arabia và các đồng minh đột ngột cắt đứt tất cả quan hệ với Qatar vào tháng 6/2017, cáo buộc Doha bảo trợ chủ nghĩa khủng bố và hậu thuẫn Iran, đối thủ của Riyadh trong khu vực.
Cụ thể, trong tám tháng qua, Qatar đã công bố các hợp đồng quân sự trị giá 25 tỷ USD.
Ngày 10/12/2017, Qatar và Anh đã ký một thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD trong đó có hợp đồng mua 24 máy báy chiến đấu Typhoon của Anh.
Đây là hợp đồng mua bán vũ khí thứ ba kể từ khi nổ ra căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh, sau thỏa thuận mua 12 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp trong chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron.
Trước đó, trong tháng 6/2017, Qatar đã ký một thỏa thuận với Mỹ trị giá 12 tỷ USD để mua các máy bay chiến đấu F-15.
Mới đây, Qatar cũng thông báo đang đàm phán với Nga để mua hệ thống tên lửa phòng không S-400.
Trợ giảng David Roberts tại trường Đại học King ở London cho rằng việc tăng chi tiêu quốc phòng mạnh hơn trong thời gian gần đây dường như có liên quan trực tiếp tới cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh.
Trong khi đó, chuyên gia Kristian Ulrichsen thuộc Viện Chính sách công Baker - Đại học Rice của Mỹ cho biết đã xuất hiện lo ngại rằng những sức ép ngoại giao và kinh tế ban đầu được áp đặt đối với Qatar vào ngày 5/6/2017 có thể là sự báo trước cho một hành động quân sự.
Ngoài ra, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, việc chi tiêu khổng lồ nói trên phản ánh nỗi sợ bị xâm lược của Qatar, đặc biệt là khi bắt đầu khủng hoảng.
Ngoài ra, ông Andreas Krieg, cựu cố vấn quân sự cho Chính phủ Qatar, lại cho rằng từ năm 2014, Doha quan ngại nguy cơ an ninh sau khi Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bất ngờ rút các đại sứ khỏi nước này.
Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng chi tiêu quốc phòng nói trên, năng lực quân sự của Qatar vẫn khá mờ nhạt khi so sánh với Saudi Arabia và UAE.
An ninh dài hạn của Qatar có thể sẽ phụ thuộc vào một sự đầu tư khác, đó là Al-Udeid, căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, nơi có khoảng 10.000 quân Mỹ đang đồn trú.
Căng thẳng leo thang tại vùng Vịnh kể từ khi Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ với Qatar hồi tháng 6/2017, cấm toàn bộ các chuyến bay đến và đi từ Doha, đồng thời cắt đứt hầu hết các mối liên hệ thương mại.
Qatar bác bỏ mọi cáo buộc, gọi đây là hành vi can thiệp vào chủ quyền và đường lối ngoại giao độc lập của Doha.
Bất chấp những khó khăn trên, Doha vẫn có thể mở các thị trường mới và đa dạng hóa nền kinh tế của mình nhằm bù đắp lại các tác động của việc bị phong tỏa ngoại giao và thương mại./.