Khoảng năm 1899, Tiffany bắt đầu thử nghiệm các cách làm kính màu và kính thổi sáng tạo hơn, đáng chú ý là các chao đèn về hoa và động vật của ông. Từ năm 1900 đến năm 1923, Tiffany đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, bổ sung thêm đồ gốm, đồ trang sức và đồ tráng men vào các dòng sản phẩm của mình, đồng thời thêm dịch vụ thiết kế kiến trúc/ nghệ thuật vào danh mục đầu tư.
Chính trong khoảng thời gian này (khoảng năm 1924), Tiffany đã tạo ra kiệt tác Cảnh thu, một cửa sổ kính màu khổng lồ có kích thước 8,5 x 11 foot (khoảng 2,5 x 3,3 mét).
Các tác phẩm kính màu của Tiffany vẫn luôn độc đáo và sáng tạo. Ảnh: Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan |
Ban đầu tác phẩm được ông trùm bất động sản Loren D. Towle đặt hàng để trang trí trang viên của mình. Tuy nhiên, ông Towle mất trước khi căn nhà được hoàn thành.
Cảnh thu tái hiện lại hình ảnh một dòng sông uốn khúc qua thung lũng với những ngọn núi ở phía xa và tiền cảnh bao phủ bởi những tán lá mùa thu. Nguồn cảm hứng của tác phẩm là chủ đề quen thuộc trên các cửa sổ tưởng niệm của nhà thờ và lăng mộ.
Bản phác thảo ban đầu của Cảnh thu. Ảnh: Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan |
Bà Agnes F. Northrop (1857–1953), người có chung tình yêu thiên nhiên với Louis Comfort Tiffany, là người đã thiết kế cửa sổ. Tài năng của bà đã mang lại cho bà danh tiếng xứng đáng về thiết kế cảnh quan bằng kính màu.
Tiffany đã sử dụng hầu như mọi loại kính và kỹ thuật sẵn có để tạo nên vẻ chân thực phi thường cho cửa sổ của mình. Mottled glass (loại kính đúc có hoa văn) tái tạo ánh nắng gay gắt chiếu qua tán tán vàng cam. Confetti glass (những mảnh kính nhỏ và mỏng như pháo giấy) được nhúng lên trên bề mặt để tạo nên những hiệu ứng khác nhau. Ripple glass (loại kính có bề mặt gợn sóng) làm nổi bật con suối ở tiền cảnh chảy qua những tảng đá lớn xám trắng được mô phỏng bằng kính vân thạch đậm màu. Để tăng thêm chiều sâu cho những đỉnh núi mù sương, Tiffany đã mạ nhiều lớp kính lên mặt sau của cửa sổ.
Màu sắc đối với mắt cũng như âm nhạc đối với tai.
- Louis Comfort Tiffany -
Năm 1925, ông Robert W. de Forest, chủ tịch Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan (MET) và là bạn tốt của Tiffany, đã mua lại cửa sổ và tặng nó cho phòng trưng bày The American Wing của MET.
Cảnh thu đã thể hiện sự tinh tế và sáng tạo của Louis Comfort Tiffany trong việc sử dụng kính màu làm phương tiện thể hiện nghệ thuật. Cho đến nay, tuyệt tác này vẫn được cho là một trong những tác phẩm đỉnh cao nhất của ông chủ Tiffany Studios.