Bộ trưởng Tài chính Séc Zbynek Stanjura cho biết nước này cần chi khoảng 130 tỷ korun (khoảng 5,3 tỷ USD) để thực hiện biện pháp áp giá trần. Khoản chi này có thể được trang trải từ nguồn thu từ các công ty nhà nước, thuế lợi nhuận bất thường mới được đề xuất và mua bán phát thải. Theo ông Stanjura, Chính phủ Séc có thể thu được 70 tỷ korun (khoảng 2,9 tỷ USD) từ thuế lợi nhuận bất thường trong năm 2023. Tuy nhiên, việc áp loại thuế này sẽ phải tính tới đề xuất tương tự của Liên minh châu Âu (EU), dự kiến sẽ được Ủy ban châu Âu (EU) giới thiệu trong tuần. Ngoài ra, Bộ trưởng Stanjura cho rằng để thực hiện có hiệu quả biện pháp áp giá trần, Séc cần phải buộc các nhà sản xuất năng lượng bán một phần sản lượng, từ 10-20%, cho nhà nước hoặc công ty bán lẻ của nhà nước.
Theo Chính phủ Séc, việc áp giá trần sẽ giúp chi phí tiền điện trung bình của mỗi hộ gia đình Séc vào năm tới giảm xuống còn 18.100 korun (747 USD). Nếu không, con số này sẽ lên tới 38.385 korun (1.585 USD). Tương tự, chi phí tiền khí đốt sưởi ấm trung bình trong năm tới của các hộ gia đình tại Séc được dự báo giảm từ mức 143.000 korun (gần 6.000 USD) xuống còn 72.000 korun (gần 3.000 USD). Tuy nhiên, mức chi phí này dự tính cao hơn 2 lần so với năm 2022.
Theo số liệu được Cơ quan Thống kê Séc công bố cùng ngày, tỷ lệ lạm phát tại nước này đã lần đầu tiên giảm sau 12 tháng tăng liên tiếp. Theo đó, tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 của Séc là 17,2%, giảm 0,3% so với tháng trước đó. Giá điện tại Séc đã tăng 34,6%, trong khi giá khí đốt tăng 61,4%.