Một tòa án ở Rome đã ra phán quyết bác lại đơn kháng cáo của một giáo viên dạy nhạc bán thời gian 35 tuổi, người vẫn muốn được hưởng trợ cấp từ cha mẹ, tuyên bố khoản thu nhập cá nhân hàng năm (lên tới 20.000 euro) là không đủ.
Thẩm phán Maria Cristina Giancola - chủ tọa phiên tòa, cho biết người này cần phải "giảm bớt tham vọng vị thành niên của mình cũng như nhất định phải tìm cách tự nuôi sống bản thân."
Bản án của Tòa án Tối cao kết thúc một vụ án kéo dài 5 năm, trước đó tòa án vùng Tuscany - nơi thụ lý vụ án, đã khẳng định quyền của nguyên đơn được nhận khoản trợ cấp hàng tháng (300 euro) từ cha mẹ mình.
Thẩm phán Giancola viết "dù hệ thống luật pháp Ý luôn bảo vệ các trường hợp trẻ em bị suy giảm thể chất hoặc tinh thần, thì việc cha mẹ phải hỗ trợ tài chính vô thời hạn cho con cái trong trường hợp này không thể tiếp diễn".
Thẩm phán cũng lưu ý rằng những khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc đáp ứng kỳ vọng nghề nghiệp là không chính đáng. “Đứa trẻ (người lớn) trong mọi trường hợp phải tích cực tìm kiếm một công việc để đảm bảo sinh kế độc lập”, bà Giancola tuyên bố.
Theo một nghiên cứu năm 2019 từ Viện Thống kê Quốc gia, khoảng 64,3% thanh niên Ý trong độ tuổi từ 18 đến 34 vẫn sống ở nhà với cha mẹ.
Trong số những người trẻ tuổi này, chỉ có 36,5% là sinh viên và 38,2% đang có việc làm, trong khi 23,7% đang tìm việc, nghiên cứu cho thấy. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Ý (từ 15 đến 24 tuổi) chiếm khoảng 30% .
Gian Ettore Gassani, người đứng đầu Hiệp hội Luật sư Hôn nhân Ý, đã hoan nghênh quyết định của tòa án Rome.
“Đó là một phán quyết nhân văn, mang tính mô phạm, là lời cảnh báo cho tất cả mọi người trên đất nước này, đồng thời nói thêm rằng nó sẽ khuyến khích những người trẻ tuổi tự đi trên đôi chân của mình".
Luật sư Gassani cho biết Ý không phải là quốc gia duy nhất gặp phải những trường hợp con cái dù trưởng thành nhưng vẫn sống phụ thuộc vào cha mẹ, thực trạng này còn có ở Pháp và Tây Ban Nha.
Hiện tượng "thanh niên sống bám cha mẹ" đã trở nên hết sức quen thuộc ở Ý đến nỗi cựu Thủ tướng Mario Monti đã đặt biệt danh cho nó là "bamboccioni," có nghĩa là "những đứa trẻ to xác", để ám chỉ những người trưởng thành vẫn sống ở nhà bố mẹ.