Ngay từ năm 2005, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) đã tạo nên “cú sốc” trong lĩnh vực chăn nuôi ở miền trung khi khánh thành tổ hợp nuôi lơn siêu nạc (LSN) lớn nhất khu vực có quy mô 1.200 nái, 24.000 lợn thương phẩm/lứa ở Thạch Vĩnh (Thạch Hà). Với tư duy công nghiệp, việc đầu tư nuôi được triển khai một cách bài bản, quy mô lớn. Doanh nghiệp (DN) chỉ mất ba năm đi vào hoạt động đã chiếm lĩnh được các thị trường lớn và có lãi thay vì 5 năm theo tính toán trước đó. Năm 2010, Mitraco lại phát triển thêm một công ty chăn nuôi LSN nữa ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc.
Ngành chăn nuôi đang ngày càng được đẩy mạnh đầu tư |
Đến nay, hai công ty này đã gây dựng được đàn nái giống ngoại lên đến 7.000 con, lợn thương phẩm hơn 140.000 con/lứa và tạo ra thương hiệu lớn trên thị trường khu vực và phía bắc. Các DN này còn làm “bà đỡ” phát triển gần 100 trại nái và trang trại nuôi vệ tinh quy mô từ 300 - 1.000 con/lứa cùng hàng trăm tổ hợp tác (THT) liên kết (từ 10-20 hộ/THT) nuôi từ 20-30 con/hộ...
Để khép kín chuỗi giá trị và tạo đầu ra ổn định, bền vững cho chăn nuôi, Mitraco đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, đưa vào hoạt động nhà máy giết mổ và chế biến súc sản với công nghệ, thiết bị châu Âu hiện đại.
Có dịp trò chuyện với Tổng Giám đốc Mitraco Dương Tất Thắng, từ đầu đến cuối, ông chỉ say sưa nói chuyện làm nông nghiệp, chăn nuôi công nghệ cao. Theo ông, lúc này nông nghệp Hà Tĩnh đang rất cần DN làm “đầu kéo” nên các DN lớn phải tiên phong. Đó cũng là cơ hội của DN, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa lớn, các trang trại chăn nuôi quy mô chuẩn, xây dựng thương hiệu đủ mạnh để điều tiết thị trường.
Hiện nay, Mitraco đang phối hợp tích cực với “bốn nhà” cùng đối tác nước ngoài đẩy nhanh tiến độ dự án đàn bò thịt chất lượng cao (CLC). Cũng giống như phát triển đàn LSN, Mitraco sẽ liên kết với nông dân để phát triển đàn bò thịt CLC. DN tiến hành nhập khẩu tinh bò giống tốt như Bratman, Chalolaise (Pháp); Redangus (Canada); Limosin (Mỹ); Cobe (Nhật) để phối giống với đàn bò lai sin của nông dân. Tiếp đó, thu mua lại bê giống từ 5 tháng tuổi để chuyển sang nuôi các mô hình HTX với quy mô 40-90 con cho đến 12 tháng tuổi, rồi tập trung nuôi vỗ béo đặc biệt tại trang trại của Mitraco.
Các công ty AGCI (Tây Ban Nha), Semec (Canada) chịu trách nhiệm tư vấn chuyển giao kỹ thuật từ giống, thú y, thức ăn lẫn bao tiêu sản phẩm. Người dân và chính quyền các cấp ở huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên đang tích cực hợp tác với Mitraco triển khai dự án, bước đầu đã tổ chức phối giống được hơn 5.000 con bò. DN cũng đang phát triển trồng các giống cỏ trong và ngoài nước cho năng suất cao, chịu hạn và chịu mặn tốt để cung cấp cho người dân. Cùng với đó, Mitraco đã nhập 1.000 con bò nái ngoại từ Austalia về nuôi tại các trang trại. Bước đầu đàn bò tỏ ra thích ứng với điều kiện khí hậu tại Hà Tĩnh và phát triển tốt.
Không chỉ có LSN, bò CLC, với vai trò “bà đỡ” cho nông dân, Mitraco còn tập trung phát triển đàn hươu bằng việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển giống hươu ở Hương Sơn. Mitraco đang phối hợp với các DN, viện nghiên cứu sản xuất thành công các sản phẩm thuốc tăng lực từ nhung hươu. Các sản phẩm thuốc bổ này đã, đang được thị trường trong và ngoài nước đặt hàng.
Tại Hà Tĩnh còn có sự hiện diện của Vinamilk - một “đại gia” ngành chế biến sữa của Việt Nam. Không ồn ào, phô trương, Vinamilk đang triển khai các trang trại nuôi bò sữa ở Hương Sơn, Hương Khê để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sữa ở Cửa Lò (Nghệ An). Trang trại của Vinamilk ở Sơn Lễ (Hương Sơn) có tổng đầu tư lên đến 300 tỷ đồng, là trang trại đầu tiên tại Việt Nam sử dụng hệ thống làm mát công nghệ Tunnel Ventilation (hệ thống làm mát cho bò vắt sữa). Trang trại có công suất 3.000 con bò vắt sữa/năm. Hiện đàn bò ở trang trại Sơn Lễ đã có 1.300 con và đến cuối năm đạt 2.000 con. Trang trại đã bắt đầu cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sữa Cửa Lò.
“Ông lớn” Hoàng Anh Gia Lai cũng liên kết với Công ty CP An Phú (Bình Định) xây dựng vùng chăn nuôi tập trung kết hợp trồng cỏ để phát triển trang trại nuôi bò giống, bò thịt CLC quy mô 200 nghìn con tại các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… Trong đó, Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà chịu tránh nhiệm điều hành dự án nuôi bò này.
Theo kế hoạch, năm 2015 dự án phát triển với quy mô 60 nghìn con; đến giữa năm 2016 sẽ nâng quy mô lên 100 nghìn con, chủ yếu bò được nhập từ Australia, New Zealand, Mỹ, Canada. Khi hoàn thành dự án, Hà Tĩnh sẽ trở thành trạm trung chuyển giống bò lớn chuyên cung cấp cho các tỉnh phía bắc, nam Lào. Tổng Giám đốc công ty CP Chăn nuôi Bình Hà Đinh Văn Dũng cho biết: “Hà Tĩnh là điểm thứ tư, sau Gia Lai, nước bạn Lào và Campuchia thực hiện dự án chăn nuôi bò CLC. Trước mắt, DN triển khai tại 648 ha thuộc xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) và Kỳ Hợp, Kỳ Tây (Kỳ Anh)”.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Vinamilk hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa tại Lâm Đồng