Trung Quốc hiện đang phải chật vật đối phó với sự trở lại của đại dịch COVID-19 trong vài tháng qua, ghi nhận thêm 57 ca nhiễm mới ở trong nước trong hôm Chủ nhật vừa qua, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ hồi đầu tháng 3 năm nay, bắt nguồn từ các ca nhiễm mới ở Tân Cương.
Ở khu vực Đông Bắc, tỉnh Liêu Ninh báo cáo ngày thứ 5 liên tiếp có các ca nhiễm mới COVID-19, trong khi tỉnh Cát Lâm ghi nhận 2 ca nhiễm mới, lần đầu tiên kể từ hồi cuối tháng 5.
Chính quyền đặc khu Hong Kong, Trung Quốc trong hôm 27/7 cũng cho hay họ đang cân nhắc về việc áp dụng trở lại các lệnh hạn chế, bao gồm lệnh cấm người dân tới ăn tối trong các nhà hàng và đeo khẩu trang bắt buộc. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ hôm 29/7, và là lần đầu tiên mà thành phố này cấm hoàn toàn việc ăn tối trong nhà hàng.
Chính quyền Australia cũng cảnh báo sẽ áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 6 tuần lễ ở nhiều phần của bang Victoria, sau khi nước này ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục.
Hiện phần lớn Australia đã không có thêm ca nhiễm mới, nhưng 2 bang đông dân nhất ở Đông Nam nước này lại có số ca nhiễm tăng mạnh, khiến chính quyền các cấp chật vật ngăn chặn một đợt bùng phát dịch mới trên phạm vi toàn quốc.
“Bi kịch là ở chỗ chúng ta hiểu rằng, với số ca nhiễm mới mà chúng ta phải chứng kiến ngày hôm nay, sẽ có thêm nhiều người tử vong trong những ngày tới” - ông Michael Kidd, quan chức y tế công của Australia, nói với báo giới.
Ở Nhật Bản, chính phủ nước này cho hay, họ sẽ hối thúc giới lãnh đạo doanh nghiệp tăng cường các biện pháp chống COVID-19 như làm việc theo ca, hội họp theo hình thức trực tuyến giống như giai đoạn đầu chống dịch.
Ấn Độ hiện có 1,4 triệu ca nhiễm, chỉ sau Mỹ và Brazil. |
“Có thời điểm, số người đi lại trên các tuyến phố đã giảm tới 70 - 80%, nhưng giờ con số này chỉ là 30%” - Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura nói - “Chúng ta thực sự không muốn bị thoái lui, bởi vậy chúng ta cần phải nghĩ ra những phương thức làm việc mới và liên lạc từ xa”.
Nhật Bản đã tránh được việc lây nhiễm diện rộng, nhưng số ca nhiễm tăng mạnh trong tuần trước ở Tokyo và các trung tâm đô thị đã khiến giới chuyên gia y tế công cộng hết sức lo ngại về đợt dịch thứ hai.
Ở Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte dự kiến sẽ dành sự tập trung cho chống dịch COVID-19 và nền kinh tế trong Thông điệp liên bang của mình. Manila hiện đang cân nhắc có nên áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn hay không, sau khi số ca nhiễm và tử vong tăng đột biến. Kể từ lần đầu tiên lệnh phong tỏa được nới lỏng vào ngày 1/6, nước này đã ghi nhận thêm 62.326 ca nhiễm mới.
Ngoài ra, Malaysia cũng dự kiến sẽ công bố các biện pháp mới để ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19, trong bối cảnh chính quyền các cấp phát hiện ra hàng chục ổ dịch mới sau khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa hồi tháng trước. Indonesia cũng được dự báo sẽ công bố ca nhiễm thứ 100.000 trong tuần này, vượt qua Trung Quốc về cả số ca nhiễm và ca tử vong.
Hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên trong hôm cuối tuần trước cũng đưa tin rằng thị trấn ven biên giới Kaesong đã bị phong tỏa, sau khi 1 người đào tẩu tới Hàn Quốc cách đây 3 năm mới trở về trong tháng này với nhiều triệu chứng bệnh COVID-19. Nếu được xác nhận chính thức, đây sẽ là ca nhiễm đầu tiên được chính quyền Triều Tiên ghi nhận.
Hàn Quốc, trong khi đó, ghi nhận hơn 14.000 ca nhiễm và 298 ca tử vong do COVID-19. Hôm thứ Bảy tuần trước, nước này báo cáo 113 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất trong ngày tính từ ngày 31/3.
Chính quyền Papua New Guinea đã ngừng tiếp nhận du khách bắt đầu từ hôm đầu tuần này, chỉ ngoại trừ những người di chuyển bằng đường không. Tuần trước, số ca nhiễm mới ở nước này đã tăng gấp đôi so với trước đó. Việc di chuyển xuyên biên giới đã bị tạm ngừng từ ngày 23/7, cảnh sát trưởng David Manning nói trong một tuyên bố đưa ra hôm đầu tuần này.
Mặc dù phần lớn khu vực châu Á đang áp dụng lại lệnh phong tỏa và hạn chế di chuyển, nhưng Ấn Độ vẫn tiếp tục gỡ bỏ dần giới hạn bất chấp số ca nhiễm mới tăng mỗi ngày. Ấn Độ hiện có 1,4 triệu ca nhiễm, chỉ sau Mỹ và Brazil.