"Họ phải hành động phù hợp bằng cách đảo ngược các hành động (làm giàu uranium) này và trở lại tuân thủ Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) ngay lập tức", một tuyên bố từ Liên minh châu Âu và các bộ trưởng ngoại giao của ba nước Pháp, Đức và Anh cho biết.
Trước đó một ngày (8/7), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi cố vấn ngoại giao hàng đầu của mình tới Tehran sau khi Iran tuyên bố vượt qua mức làm giàu uranium 4,5%, cao hơn mức 3,67% theo thoả thuận.
Cố vấn Emmanuel Bonne đã đến thủ đô Iran vào chiều ngày 9/7, tiến hành đàm phán thuyết phục Iran tuân thủ mức làm gìau uranium được quy định trong thoả thuận hạt nhân.
Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký năm 2015 bởi Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc, EU và Iran. Theo thỏa thuận, Tehran chấp nhận hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân để được nới lỏng trừng phạt và bán dầu ra nước ngoài.
Thỏa thuận quy định việc làm giàu uranium của Iran bị giới hạn ở mức tối đa là 3,67%, vừa đủ để sản xuất năng lượng và thấp hơn nhiều so với mức hơn 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA vào năm 2018, Iran vẫn giữ cam kết trong thỏa thuận với hy vọng các nước EU sẽ có cơ chế đặc thù để giúp Tehran tiếp tục hoạt động thương mại với khối, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, việc EU không cung cấp cho Iran cơ chế thương mại tự do khả thi để giảm bớt hậu quả từ lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Tehran ngày càng ít mặn mà với thỏa thuận này.