Từ những thư viện và bảo tàng bị cháy
Cuộc nội chiến ở Sri Lanka năm 1981 đã phá huỷ hoàn toàn thư viện Jaffna với hơn 97.000 đầu sách và bản chép tay trên lá cọ. Nhiều ký ức và lịch sử của Sri Lanka và của các cộng đồng cư dân bản địa đã biến mất cùng với ngọn lửa của cuộc nội chiến. Vào thập kỉ 80 của thế kỉ 20, không có quá nhiều lựa chọn cho những người nhiệt tâm giữ gìn di sản văn hoá thành văn khỏi bạo lực của những biến động chính trị xã hội.
Hình ảnh tan hoang của Thư viện Jaffna sau khi bị phá huỷ vì cuộc nội chiến - Nguồn ảnh không rõ ràng lấy từ internet |
Vụ cháy cách đây một năm ở Bảo tàng Quốc gia Rio de Janeiro của Brazil đã thiêu huỷ 20 triệu tài liệu, hiện vật lưu trữ tại Thư viện của Bảo tàng. Thư viện này là nơi lưu trữ những tư liệu nhân học về hệ thống ngôn ngữ, văn hoá và sinh hoạt của những người thổ dân bản địa. Vụ cháy bảo tàng này đồng thời cũng đặt dấu chấm hết cho kí ức về lịch sử, văn hoá và ngôn ngữ của nhiều nhóm dân bản địa sống ở khu vực Nam Mỹ. Họ biến mất trước áp lực “thực dân hoá” và giờ đây, kí ức về họ cũng biến mất vì sự bất cẩn và cẩu thả của con người.
Điều đáng chê trách ở đây đó là bảo tàng này sau nhiều năm hoạt động đã không số hoá, hoặc chỉ số hoá “lưu hành nội bộ” tư liệu của họ mà không công bố rộng rãi cho công chúng và các nhà nghiên cứu. Dù rằng với tư cách là một bảo tàng quốc gia, họ hoàn toàn có đủ năng lực tài chính và chuyên môn để làm công việc đó. Điều này khiến cho công chúng Brazil cực kỳ tức giận. Họ buộc giám đốc bảo tàng và chính quyền phải có câu trả lời thoả đáng. Song, khủng hoảng nào rồi cũng có lúc lắng xuống. Sau một năm, giới chính trị gia và cơ quan điều tra thậm chí còn không muốn tìm kiếm nguyên nhân hoả hoạn.
Bảo tàng Quốc gia Brazil ở Rio de Janeiro - Nguồn ảnh của nhà báo Ricardo Moraes hãng REUTERS |
Đến những ông thần giữ cửa tri thức
Từ những sự cố kể trên nhìn về thực tế Việt Nam, chúng ta có thể thấy thư viện, trung tâm lưu trữ, viện bảo tàng ở Việt Nam đang được tổ chức và quản lý còn một số điểm bất hợp lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe doạ những di sản văn hoá mà họ đang chịu trách nhiệm bảo vệ. Họ đang trở thành những “ông thần giữ cửa tri thức” thực sự.
Những cơ quan này ở Việt Nam được thành lập và nhận kinh phí duy trì từ Nhà nước và cộng đồng trong nhiều năm qua để sưu tầm, xử lý, và bảo quản tư liệu, hiện vật. Công việc của họ đang dừng ở việc gom tất cả tư liệu và hiện vật vào một nơi, hạn chế sao chụp, nhân bản, và hạn chế cả chia sẻ tư liệu với cá nhân và tổ chức khác dưới danh nghĩa “bảo vệ di sản”. Đây đó, người ta có những lí luận về việc cơ quan lưu trữ và những cá nhân ở đó có “bản quyền” với những tư liệu vốn hoàn toàn không thuộc về họ. Và như thế, di sản văn hoá rơi vào nguy cơ biến mất hoàn toàn, nhanh chóng, thậm chí ở quy mô lớn nếu không may xảy ra sự cố rủi ro như thiên tai, hoả hoạn...
Bài học lịch sử còn đó. Lũ lụt và hoả hoạn đã cướp đi nhiều di sản của Việt Nam. Có lẽ lần này chúng ta cần phải thông minh hơn. Tư liệu lưu trữ nên được sao chụp thành nhiều bản và để phân tán ở nhiều trung tâm nghiên cứu khác nhau để đề phòng bất trắc. Cách tốt hơn nữa là điện tử hoá những tư liệu lưu trữ đang có, chia sẻ di sản đó với cộng đồng nghiên cứu trong và ngoài nước. Hào phóng trong việc truyền bá di sản, là cách thức đảm bảo di sản có cơ hội tồn tại trước những nguy cơ đe doạ của thiên tai và nhân tai. Từ chối chia sẻ, bá chiếm di sản là cách nhanh nhất huỷ diệt di sản dưới danh nghĩa “bảo vệ di sản”.
Các trung tâm lưu trữ và thư viện cũng nên gỡ bỏ dần những rào cản để người dân, những người chủ sở hữu thực sự của di sản được quyền tiếp cận chúng. Nhiều thư viện và trung tâm lưu trữ đang dựng lên những rào cản hành chính và thủ tục phiền phức để tiếp cận tư liệu. Ngoài ra, còn có nhiều rào cản tài chính đắt đỏ để những người có nhu cầu buộc phải trả rất nhiều tiền mới được quyền sao chụp và sử dụng những tư liệu đó.
Đã đến lúc cần phải thay đổi, những tư liệu vốn thuộc về cộng đồng, là tài sản quốc gia, được tạo tác, sưu tầm, chỉnh lý, bảo quản bằng tiền thuế và nguồn lực cộng đồng nên được đưa ra phục vụ cộng đồng hoàn toàn miễn phí. Nhà nghiên cứu nên sống bằng nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động chuyên môn chứ không nên đặt nặng vấn đề “kinh doanh” tư liệu
Chưa ai làm thống kê được chính xác bao nhiêu di sản Việt Nam đã thất thoát hay bị phá huỷ song chúng ta đều hiểu con số đó là không nhỏ. Vài chục năm trở về trước, việc bảo vệ di sản còn nhiều hạn chế vì thiếu kĩ thuật và nguồn lực. Ngày nay, Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn lực kĩ thuật, nguồn lực tài chính, cũng như nguồn lực xã hội để hạn chế hoặc loại bỏ những nguy cơ đe doạ di sản này. Chúng ta thật sự cần những người có tâm và có tầm nhìn với di sản, kiên quyết đổi thay vì lợi ích của xã hội, cộng đồng.