Các nước châu Âu đang đau đầu với bài toán di cư để ngăn chặn những thảm kịch có thể xảy ra trên biển và trên sa mạc trong hành trình của người dân một số nước châu Phi muốn tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu.
Cuộc khủng hoảng di cư này không chỉ mang lại những nỗi lo về gánh nặng kinh tế, xã hội, nó cũng đang đặt châu Âu trước những mối lo ngại về an ninh, khi các quan chức Libya ngày 16/5 cảnh báo, nhiều tổ chức tội phạm tại Địa Trung Hải đang đưa những tay súng Nhà nước Hồi giáo vào châu Âu.
Trong số các di dân muốn đến châu Âu, có thể có cả các tay súng IS |
Trả lời phỏng vấn trên Kênh truyền hình BBC của Anh ngày 16/5, cố vấn chính phủ Libya Abdul Basit Haroun cho biết, những kẻ buôn lậu đang giấu các tay súng IS trên những con thuyền chứa đầy những người di cư, vì cảnh sát châu Âu không phân biệt được ai là từ IS và ai là những người tị nạn thông thường.
"Họ trà trộn lên tàu để trốn vào châu Âu, vì cảnh sát châu Âu không thể xác định ai là IS, ai là dân thường tị nạn", BBC dẫn lời Abdul Haroun. Ông nói thêm rằng rất có thể IS đang lên kế hoạch tấn công châu Âu.
Haroun cho biết ông có được thông tin trên nhờ nói chuyện với các chủ tàu ở một số vùng Bắc Phi bị IS kiểm soát. Chúng cho phép chủ tàu hoạt động với điều kiện phải nộp lại 50% thu nhập.
Các chiến binh thường ngồi riêng rẽ với những người di cư khác và tỏ ra không hề sợ hãi khi đi qua trạm kiểm tra, Haroun nói và khẳng định họ "100% là thành viên IS".
Libya và các nước Bắc Phi có thể được dùng làm cửa ngõ để đến nam châu Âu qua Địa Trung Hải. Đồ họa: World Atlas |
Hồi đầu năm nay, Frontex, cơ quan kiểm soát biên giới châu Âu, cảnh cáo "có khả năng" các chiến binh nước ngoài đang lợi dụng những tuyến di cư bất thường để vào châu Âu. Theo Global Post, bất ổn chính trị ở Lybia khiến mạng lưới băng nhóm đưa người nhập cư lậu phát triển mạnh. Các băng nhóm thu phí tới 2.000 USD/người muốn di cư sang châu Âu.
Liên Hiệp Quốc ước tính, từ đầu năm tới nay, khoảng 60.000 người đã cố gắng vượt biên qua Địa Trung Hải. Trong đó, gần 2.000 người đã thiệt mạng vì đắm tàu, gấp 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, IS kiểm soát nhiều khu vực lớn của Iraq và Syria, đang tích cực mở rộng hoạt động sang Lybia, hòng trục lợi khi các nhóm đối địch ở nước này đấu đá, tranh giành quyền lực, sau khi nhà độc tài Gadhafi bị lật đổ năm 2011.
Phong Linh (T/h)
Xem thêm:
1. Cờ đen của IS bay trên trụ sở chính quyền thành phố Ramadi ở Iraq
2. Thủ lĩnh IS tung băng ghi âm kêu gọi thánh chiến toàn cầu
3. Phiến quân IS điên cuồng xả súng, giết chết 43 thường dân Pakistan
4. 'Trùm sỏ' thứ 2 của IS bị tiêu diệt ở Iraq
5. [Hồ sơ] Abu Bakr al-Baghdadi - Trùm sỏ khủng bố của Nhà nước Hồi giáo IS