Theo giới truyền thông, các quan chức cao cấp của Trump và các chỉ huy quân đội đang dõi theo mối lo ngại ngày càng gia tăng khi quân đội người Kurd từ chối chống lại IS.
Nếu không có sự hỗ trợ của dân quân người Kurd, chiến dịch của liên quân Mỹ có thể "chết yểu", khi những kẻ khủng bố và các chiến binh nước ngoài sẽ có cơ hội phục hồi và di chuyển sâu hơn vào phía tây Syria và "cuối cùng là vào Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan - nơi mà các chiến binh hồi giáo có thể hồi hương để tiếp tục 'thánh chiến' tại các nước phương Tây", các nhà phân tích Mỹ cho biết.
Trong khi các thành viên của nhóm phiến quân SDF có khoảng 50.000 chiến binh người Kurd và Ả Rập ở phía đông và bắc Syria, cách đây hai tuần, hơn 20.000 tay súng người Kurd đã được triển khai ở Afrin để đẩy lùi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, nguồn tin do các quân đội cấp cao Mỹ cho biết.
"Cuộc xâm lăng của Thổ Nhĩ Kỳ để chiếm Afrin đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc chiến của chúng tôi đối với IS", Shahoz Hasan, đồng chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Syria, nói trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 26/2. "Sau khi chúng tôi kìm chân IS, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công chúng tôi".
Vào ngày 20/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố khởi động chiến dịch quân sự "Cành Olive" chống lại lực lượng dân quân người Kurd tại khu vực Afrin. Động thái này của Ankara được cho là để đáp trả lại việc liên quân Mỹ tại Syria đang tiến hành huấn luyện 30.000 tay súng của SDF trở thành lực lượng quân sự mới tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Quyết định của Washington bị Ankara chỉ trích gay gắt khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đe doạ "sẽ tiêu diệt đội quân khủng bố mới".
Damascus đã bày tỏ sự lên án mạnh mẽ của mình đối với cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh rằng đây là động thái "xâm phạm chủ quyền quốc gia". Ankara đã cho biết chiến dịch này không nhắm vào chính phủ Syria, mà nhằm mục đích quét sạch hành lang khủng bố "bắt đầu từ khu vực Manbij và xuyên suốt toàn bộ biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria".
Theo Sputnik