Người dân tại vùng ngoại ô thành phố Raqqa đã bắt đầu nổi dậy chống lại các lực lượng đối lập thân Mỹ đang kiểm soát khu vực, Cục trưởng Cục tác chiến của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, ông Sergei Rudskoy nói.
"Chỉ huy của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và các chính quyền địa phương, được chỉ định bởi người Mỹ, đã không giải quyết các nhu cầu liên quan đến vấn đề viện trợ nhân đạo của người dân. Các lực lượng thân Mỹ này đã đàn áp và trừng phạt dân thường, điều này đã khiến họ cảm thấy bất mãn", ông Rudskoy nói.
Theo ông Sergei Rudskoy, cơ sở hạ tầng của thành phố Raqqa, nơi có gần 95 nghìn người tị nạn vừa trở về, đã bị phá huỷ hoàn toàn.
"Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ, một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc đang bùng phát ở Raqqa", ông Rudskoy nói.
Ông cho biết nguồn cấp nước chính của thành phố đang có vấn đề, vì vậy người dân phải lấy nước trực tiếp từ sông Euphrates, làm tăng nguy cơ lây lan các loại dịch bệnh.
Từ năm 2013, tổ chức khủng bố IS đã chiếm đóng thành phố Raqqa của Syria và tuyên bố đây là thủ đô của Nhà nước Hồi giáo. Cuối năm 2016, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - nhóm phiến quân thân Mỹ đã tiến hành giải phóng thành phố khỏi tổ chức IS. Vào tháng 10 năm 2017, lực lượng SDF tuyên bố đã giải phóng thành công Raqqa.
Về tình hình ở Đông Ghouta
Ông Sergei Rudskoy cho biết, hơn 44.000 người đã rời khu vực Đông Ghouta thông qua các hành lang nhân đạo.
"Từ hôm nay, tình hình ở Đông Ghouta đã thay đổi triệt để. Ngay bây giờ các bạn đang chứng kiến một hoạt động nhân đạo với một quy mô độc nhất. Riêng hôm thứ Sáu, đã có 26.610 thường dân sơ tán khỏi khu vực thông qua hành lang nhân đạo, nâng tổng số người tị nạn lên đến con số 44.639", ông Rudskoy nói.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, Liên Hợp Quốc đã xác nhận việc sơ tán người tị nạn khỏi Đông Ghouta, được thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Trong một tuần qua, đã không có bất kỳ vụ giao tranh nào nổ ra, tình hình ở Đông Ghouta đã nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền Damascus", Tướng Sergei Rudskoy nói.
Theo Sputnik