Cụ thể, trong số 36 bệnh nhân có 27 người làm việc trong chợ Tân Phát Địa và 9 người từng vào đây. Ngoài ra, có một người cho kết quả dương tính nhưng không biểu hiện triệu chứng gì. Theo quy định của Trung Quốc, các trường hợp không có triệu chứng không được cho vào báo cáo hằng ngày.
Bắc Kinh đã xác nhận 43 ca mắc COVID-19 kể từ thứ Năm, trước đó thành phố này đã không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào trong 55 ngày.
Nguy hiểm hơn, chính quyền tỉnh Liêu Ninh lân cận cũng đã thông báo 2 trường hợp mắc bệnh vào Chủ nhật, cả hai người này đều có liên hệ với những bệnh nhân tại Bắc Kinh.
Một phát ngôn viên của ủy ban y tế Bắc Kinh kêu gọi bất cứ ai từng tới khu chợ Tân Phát Địa kể từ ngày 30/5 phải báo ngay cho chính quyền để được làm xét nghiệm.
Khu dân cư sống xung quanh khu chợ này đã bị phong tỏa, trong khi các nhà chức trách cũng đã đóng cửa chợ hải sản Jingshen, cách chợ Tân Phát Địa 10 km.
Giới chức y tế Bắc Kinh cho biết trong số 40 mẫu vật được thu thập tại chợ Tân Phát Địa, đã tìm thấy virus SARS-CoV-2 trong thớt dùng để chế biến cá hồi nhập khẩu.
Ông Wu Zunyou, nhà dịch tễ học từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, cho biết nguồn gốc của ổ dịch tại chợ Tân Phát Địa có thể là do hải sản hay thịt bị nhiễm mầm bệnh, hoặc một người trong khu chợ này đã mắc bệnh.
Vị chuyên gia cho biết dựa vào tình hình ở Bắc Kinh, có thể thưc phẩm là nguồn lây bệnh chính. “Tuy nhiên việc phát hiện mầm bệnh trên thớt không có nghĩa cá hồi là nguồn lây. Có thể một người hoặc vật khác tiếp xúc với thớt mới là nguyên nhân chính”, ông Wu nói.
Kể từ khi ổ dịch này được phát hiện, nhiều thành phố ở Trung Quốc đã cảnh giác cao độ đối với người đến từ Bắc Kinh. Một số nơi đã yêu cầu người đến từ thủ đô phải tự cách ly 14 ngày hoặc làm xét nghiệm.
Vài tháng trước khi dịch bệnh bùng phát ở Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc đã gần như xử lý thành công dịch bệnh khi cho phép mở cửa các tỉnh, thành để tránh nền kinh tế rơi vào suy thoái.