Chợ tình Khâu Vai (hay còn gọi là Chợ Phong Lưu Khâu Vai) thuộc xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Đây là phiên chợ chỉ họp duy nhất một lần trong năm. Qua thời gian, chợ tình đã trở điểm đến quen thuộc của người dân địa phương và du khách.
Như đã thành thông lệ, cứ đến ngày 27/3 âm lịch hàng năm là diễn ra chợ tình Khâu Vai. Từ hơn 100 năm nay, chợ vẫn được người dân duy trì đều đặn cho dù có đổi mới hình thức khi kết hợp những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quảng bá nét đặc sắc địa phương. Cho tới thời điểm hiện tại, chợ tình Khâu Vai thường kéo dài khoảng 3 ngày, dù cho phiên chợ chính vẫn diễn ra vào ngày 27/3 để bảo lưu các giá trị truyền thống.
Theo đó, nguồn gốc của chợ Phong Lưu Khâu Vai bắt đầu từ câu chuyện dân gian về chàng Ba người dân tộc Nùng và nàng Út người dân tộc Giáy. Hai người yêu nhau say đắm, đã thề non hẹn biển để đến với nhau nhưng do không cùng tổ tiên và phong tục tập quán, mối tình bị hai dân tộc cấm đoán. Hơn nữa, chàng Ba chỉ là con cái nhà nghèo, còn nàng Út lại là con gái của tộc trưởng người Giáy.
Màu áo thắm của những người phụ nữ vùng cao. |
Để vẹn tròn lời hẹn, chàng Ba và nàng Út dắt díu nhau lên chiếc hang sâu nằm trên núi Khâu Vai để chạy trốn và tận hưởng cuộc sống lứa đôi hạnh phúc. Nhưng phát hiện sự biến mất của hai người, hai dân tộc ở dưới núi sinh ra hiềm khích. Bên họ tộc cô gái vác cung nỏ sang họ tộc nhà trai vì tin rằng chàng đã dụ dỗ cô Út bỏ nhà đi. Ngược lại, nhà trai cũng mang dao đánh trả nhà gái.
Từ trên hang núi, chàng Ba và nàng Út thấy cảnh hai bên đâm chém nhau, đành đau lòng chia tay và trở về làm tròn bổn phận với gia tộc. Trước khi chia tay, họ hẹn gặp nhau vào ngày 27/3 hàng năm trên đỉnh Khâu Vai để hát và tâm sự về những điều xảy ra trong một năm xa cách cho nhau nghe. Ở bên nhau hết một ngày một đêm, họ lại trở về với bản làng và cuộc sống thường ngày.
Cho đến những ngày cuối đời, đúng y lời hẹn, hai người vẫn tìm đến nhau vào đúng ngày 27/3 âm lịch để rồi họ ôm chặt lấy nhau trên hang núi Khâu Vai, cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày chàng Ba và nàng Út ra đi vào chính ngày họ hẹn ước gặp nhau, bởi vậy dân bản càng thêm thương tiếc mối lương duyên trắc trở, đã dựng một ngôi miếu để thờ Ông và thờ Bà, lấy ngày 27/3 làm ngày họp chợ để những đôi trai gái lỡ duyên tìm về bên nhau.
Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai được tổ chức nhằm tái hiện những giá trị văn hóa mang đậm tính nhân văn cao đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc; phát huy tinh thần đoàn kết các dân tộc và góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Tiếng khèn xao xuyến trên núi Khâu Vai. |
Chợ không phải là nơi giao thương, buôn bán các mặt hàng nông sản, món ăn đặc sản truyền thống hay nhu yếu phẩm, mà là nơi tâm tình, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, chủ yếu dành cho những đôi trai gái yêu nhưng không lấy được nhau... Hằng năm, cứ đến ngày 27/3 âm lịch, họ lại vượt núi, băng rừng về hò hẹn, gặp lại người yêu cũ, cùng nhau uống rượu và tâm sự, ôn lại chuyện tình xưa.
Ngày nay, huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang đã đưa chợ tình Khâu Vai lên thành Tuần Văn hóa du lịch Lễ hội Chợ tình Khâu Vai với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo, nhằm thu hút khách du lịch. Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống tại khu vực Mê cung đá và trung tâm xã Khâu Vai.
Với nội dung như trình diễn thổi khèn Mông của xã Sủng Trà và thị trấn Mèo Vạc; Hát dân ca dân tộc Nùng; Hát dân ca dân tộc Giáy; Múa trống đồng, múa kéo nhị của dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc; Múa nón, múa khăn của dân tộc Giáy thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà; Múa kiếm của dân tộc Giáy xã Nậm Ban; Múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô, xã Xín Cái; điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc; Múa trống của dân tộc Giáy thôn Nà Trào, xã Tát Ngà; Hát đối giao duyên qua ống dây của dân tộc Mông các xã: Lũng Pù, Giàng Chu Phìn; Múa, thổi khèn đơn, khèn đôi của dân tộc Mông xã Sủng Trà...
Nhằm tôn vinh hình thức sinh hoạt văn hóa này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL đưa Phong tục tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu (Hang Phụng Lựu) Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.