"Tôi cam kết dành tặng 100% tiền thưởng cho tổ chức Sáng kiến Nadi", Nadia Murad hôm nay cho biết, đề cập đến tổ chức mang tên cô được thành lập để hỗ trợ phụ nữ và các tộc người thiểu số ở Iraq, theo Hill.
Giải Nobel Hòa bình năm nay đã được trao cho bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege và Nadia. Nadi, 25 tuổi, bị các chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt làm nô lệ tình dục khi 19 tuổi. Cô được trao giải Nobel Hòa bình nhờ những nỗ lực nhằm chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang. Mỗi người đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay nhận được số tiền thưởng 500.000 USD.
Ngoài ra, trong vai trò là thành viên cộng đồng thiểu số Yazidi ở Iraq, Nadi cũng nhiều lần lên án việc ngược đã các tộc người thiểu số. "Tôi dành tặng tiền thưởng cho người Yazidi, Iraq, Kurd, các dân tộc thiểu số bị ngược đãi khác và tất cả các nạn nhân của bạo lực tình dục trên toàn thế giới", Nadi nói.
"Tôi nghĩ về mẹ tôi, người đã bị IS giết hại, những đứa trẻ cùng tôi lớn lên và những gì chúng tôi cần làm để tôn vinh họ. Sự ngược đãi các tộc người thiểu số phải chấm dứt", cô nói thêm.
Chủ tịch Ủy ban Nobel Nauy Berit Reiss-Andersen cho biết bà hy vọng những người chiến thắng "gửi một thông điệp nhận thức rằng phụ nữ thực sự đã bị sử dụng như vũ khí chiến tranh và họ cần được bảo vệ; thủ phạm phải bị truy tố và chịu trách nhiệm về hành động đã gây ra".
Murad bị IS bắt cóc tại Iraq vào tháng 8/2014 cùng các chị em của mình. Cô mất mẹ và 6 người anh khi nhóm phiến quân giết toàn bộ đàn ông trong làng và những phụ nữ nhiều tuổi.
Murad là người đoạt giải Nobel Hòa bình trẻ thứ hai sau Malala Yousafzai, người Pakistan đoạt giải năm 2014 nhờ các hoạt động vì quyền của phụ nữ và trẻ em khi mới 17 tuổi. Cô cũng từng giành giải Sakharov và Vaclav Havel, hai giải thưởng danh giá về nhân quyền của EU và Hội đồng châu Âu vào năm 2016.