Các luật sư của ByteDance và người dùng đã “đạt được thỏa thuận về nguyên tắc, tuân theo một số điều kiện nhất định,” để giải quyết khiếu nại về việc ứng dụng TikTok đã bí mật quét khuôn mặt và gửi thông tin của người dùng về Trung Quốc, theo hồ sơ của Tòa án liên bang Chicago.
Các luật sư cho biết họ có kế hoạch nộp đề xuất dàn xếp cuối cùng trong vòng 90 ngày. Thế nhưng thỏa thuận này có thể bị đổ bể bởi các luật sư đại diện cho phía người dùng Mỹ cho rằng họ đã bị gạt ra khỏi các cuộc đàm phán.
ByteDance hiện đang phải đối mặt với 19 vụ kiện tập thể, cùng với đó là đàm phán với các công ty Mỹ để bán lại TikTok nếu không muốn ứng dụng này bị liệt vào danh sách đen.
Trong khi đó, tập đoàn Microsoft cũng phải chịu áp lực trong việc giải quyết các mối quan tâm về quyền riêng tư và bảo mật liên quan đến thương vụ mua lại TikTok cho kịp hạn chót vào ngày 15/9.
Ngoài ra, tập đoàn công nghệ Oracle cũng được chính quyền Trump "bật đèn xanh" trong thương vụ sáp nhập TikTok. Một trong hai công ty sẽ được hưởng lợi vô cùng nếu không phải "thừa hưởng" một loạt các vụ kiện thay mặt cho hàng triệu người tiêu dùng.
Các luật sư đại diện cho người dùng bang California cũng phủ nhận nghi nghờ của phía ByteDance về việc các vụ kiện này nhằm gây áp lực buộc họ phải bán lại TikTok hoặc ủng hộ lệnh cấm của chính quyền Trump.
Nếu vụ kiện không được giải quyết, ByteDance sẽ phải đối mặt với án phạt lớn theo luật bảo mật sinh trắc học nghiêm ngặt ở bang Illinois, vốn quy định mức bồi thường thiệt hại lên tới 5.000 USD cho mỗi lần thu thập dữ liệu mà không có sự đồng ý của người dùng.
Gần đây, Facebook cũng đã giành được sự chấp thuận từ thẩm phán liên bang ở thành phố San Francisco về một khoản bồi thường lên tới 650 triệu USD sau khi bị cáo buộc thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng thông qua công cụ gắn thẻ ảnh của mình. Vụ án được tranh tụng quyết liệt trong suốt 5 năm qua.