'Chúng ta đã vượt qua những chặng đường khó khăn nhất'

Chúng ta đã vượt qua được những chặng đường khó khăn nhất để đưa EVFTA đi vào thực thi và mức mở cửa thị trường trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ ngay sau khi EVFTA và EVIPA được Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá mức mở cửa thị trưởng trong EVFTA là mức cam kết cao nhất Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký kết. Ảnh: VGP.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá mức mở cửa thị trưởng trong EVFTA là mức cam kết cao nhất Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký kết. Ảnh: VGP.

Với kết quả 401 phiếu ủng hộ (63,3%), Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vào khoảng 6 giờ tối ngày 12/2 (giờ Việt Nam).

Trong niềm vui của những người trực tiếp đi đàm phán suốt 8 năm vừa qua, với vai trò là người đứng đầu cơ quan trực tiếp đàm phán, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ về giây phút đáng nhớ này.

Đòn bẩy tăng trưởng

Xin Bộ trưởng phân tích rõ hơn về tác động của EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều biến động?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.

Tính đến thời điểm hiện nay, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng hóa Việt Nam mà chúng ta có hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, thị phần hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam so với tổng nhập khẩu của khu vực này còn khiêm tốn so với tiềm năng, một phần do vẫn còn rào cản đối với hàng hóa Việt Nam, phần khác do năng lực cạnh tranh của chúng ta còn hạn chế.

Vì vậy, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ có được từ Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU và mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả, đồ gỗ.... là rất đáng kể.

Có thể nói, mức mở cửa thị trường trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Ngoài ra, Chương trình GSP dự kiến cũng không thể kéo dài do nhiều ngành hàng của Việt Nam được EU coi là đã vượt trình độ cạnh tranh so với các nước được nhận ưu đãi khác. Vì vậy, dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định này đều là những ngành Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh cao như giày, dép, mũ, hàng dệt may và nông thủy sản. Các ngành chịu sức ép cạnh tranh dự kiến gồm: hóa chất, phương tiện và thiết bị vận tải, thực phẩm chế biến và sản phẩm kim loại cơ bản.

Tương tự về nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU. Đặc biệt là nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình. Khi hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh.

Đáng chú ý, với EVFTA chuỗi giá trị mới của Việt Nam với một đối tác quan trọng trên thế giới sẽ được hình thành. Môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, khi triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến...

Mặc dù các ngành được dự báo sẽ hưởng lợi tối đa nhưng không phải không có thách thức. Bộ trưởng đánh giá thế nào về những thách thức chúng ta sẽ gặp phải khi thực hiện Hiệp định này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Điển hình như với nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.

Ngoài ra, các quy định về quy tắc xuất xứ cũng sẽ là thách thức đối với ngành dệt may nếu muốn tận dụng được các ưu đãi về thuế quan do nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN.

Để nhận được những ưu đãi kể trên, Việt Nam cũng sẽ phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta.

Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.

Ngoài ra, do cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Chuẩn bị Kê hoạch hành động thực thi Hiệp định

Hiện nay còn những bước nào nữa để đưa Hiệp định EVFTA vào thực thi, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Theo nhận định của chúng tôi, chúng ta đã vượt qua được những chặng đường khó khăn nhất để đi đến mục tiêu kỳ vọng.

Việc EU phê chuẩn Hiệp định EVFTA là một cột mốc quan trọng trong quá trình đưa Hiêp định này vào thực thi. Đối với EU, Hiệp định này sẽ còn cần có sự phê duyệt của Hội đồng châu Âu để có hiệu lực.

Về phía Việt Nam, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ bộ hồ sơ để Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước và sau đó Chủ tịch nước sẽ quyết định trình Quốc hội xem xét việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Tôi tin rằng, với kết quả tích cực này từ phía EU, việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA của Việt Nam trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh để Hiệp định sớm có hiệu lực, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân của 2 bên.

Là cơ quan đầu mối trong việc thực thi các FTA, Bộ Công Thương đã có những bước chuẩn bị nhất định nhằm tận dụng được các ưu thế mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Tương tự như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được đưa vào thực thi từ đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã dự thảo các nội dung chính của Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định EVFTA xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện kế hoạch.

Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Công tác nghiên cứu thị trường cũng đang được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có tâm thế sẵn sàng để có thể tận dụng ngay các ưu đãi về thuế quan khi Hiệp định được chính thức đưa vào thực thi.

Bộ Công Thương tiếp tục duy trì Bản tin nông lâm thủy sản hàng tuần, xây dựng kênh thông tin cập nhật diễn biến thị trường, dự báo và đánh giá về tình hình cung cầu, giá cả để doanh nghiệp có thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song song với đó, Bộ cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Theo Chính phủ
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?