Giám đốc điều hành công ty Rostec Sergei Chemezov đã đưa ra tuyên bố cho thấy ý định rõ ràng của Nga: “Nếu phía Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự quan tâm, chúng tôi sẵn sàng thực thi các thủ tục để cung cấp máy bay Su-35”.
Dàn máy bay chiến đấu Su-35 của Nga. |
Su-35 hiện vẫn là máy bay tiêm kích hiện đại nhất mà Nga đang có. Được thiết kế như một giải pháp tạm thời trước khi không quân Nga có được phi cơ tàng hình Su-57, Su-35 là sự kết hợp giữa khả năng chiến đấu và sự đa chức năng nhờ được trang bị hệ thống buồng lái hiện đại, tên lửa không đối không Vympel R-77 và một phiên bản tên lửa chống hạm Kalibr của Nga. Theo ông Chemezov, Nga tự tin có thể sản xuất hàng loạt máy bay này với số lượng vừa đủ để thỏa mãn Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuyên bố của ông Chemezov được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Mỹ chính thức khai trừ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển máy bay F-35, khiến Ankara thiệt hại hàng tỉ USD. Quyết định của chính quyền Mỹ được thực hiện do lo ngại rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, một hệ thống mà Mỹ cho là “nền tảng thu thập thông tin tình báo của Nga”, và sử dụng cùng với F-35 sẽ làm tổn hại đến khả năng hoạt động bí mật của máy bay này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhiều lần tuyên bố ông sẽ không chỉ dừng lại ở việc mua về S-400 để nâng cao quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể là việc ông bày tỏ mong muốn hợp tác với Nga để chế tạo hệ thống tên lửa phòng không S-500 trong tương lai.
Cho đến lúc này chính quyền Erdogan đang giữ rất kín kế hoạch mua máy bay chiến đấu trong lúc nước này cũng đang có lựa chọn khác nhau. Bên cạnh Su-35, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể mua máy bay Eurofighter Typhoon hay máy bay JAS 39 Gripen. Một thách thức khác của Su-35 lại chính là tham vọng sản xuất tiêm kích thế hệ thứ năm của Thổ Nhĩ Kỳ có tên gọi là TF-X. Mặc dù nhận được sự ủng hộ từ giới chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, song chi phí phát triển của máy bay này lại đang vượt quá mức cho phép.
Ngoài ra, các hãng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất giỏi trong việc đàm phán với Nga và các nước phương Tây để có được những điều kiện tốt nhất cho mình. Về lâu dài, rất có thể Ankara sẽ nhập khẩu máy bay chiến đấu của Mỹ nếu quan hệ giữa hai bên được hàn gắn và Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định cam kết sử dụng hệ thống vũ khí theo chuẩn NATO.
Nếu NATO có thể coi S-400 là một thỏa thuận cá biệt của Thổ Nhĩ Kỳ, việc nước này mua Su-35 của Nga sẽ khiến các chuyên gia phương Tây lo ngại rằng họ đang thay đổi hướng phát triển quân sự của mình. Nga hiểu rõ bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc mua Su-35 mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện đều sẽ ảnh hưởng lớn đến quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, thành công từ thương vụ S-400 được điện Kremlin coi là cơ sở để tiếp tục giành được những mục tiêu lớn hơn từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov mới đây đã có những phát biểu về việc bán máy bay chiến đấu cho Thổ Nhĩ Kỳ, có thể khiến phương Tây lo lắng: “Tại sao không chứ? Chúng ta đã bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ rồi”.