Với chức năng giám sát chi tiêu công độc lập, NAO nêu rõ cơ quan này đã đánh giá khả năng chống chịu 4 rủi ro thời tiết cực đoan - gồm hạn hán, lũ lụt, giông bão và nhiệt độ tăng cao - nhằm xác định mức độ chuẩn bị của Chính phủ Anh trước nguy cơ các hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy gia tăng cả về tần suất và cường độ.
NAO nhấn mạnh rằng mặc dù chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak đang tăng cường lập kế hoạch ứng phó nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, nhưng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng thường xuyên với mức độ nghiêm trọng hơn. Do đó, chính phủ cần hành động mạnh hơn và sớm hơn nữa để chuẩn bị ứng phó cũng như nâng cao khả năng chống chịu. Cụ thể, cần tăng cường tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro thiên tai, song song với đó củng cố khả năng chống chịu hơn nữa trước các tác động ngày càng nghiêm trọng do thời tiết cực đoan gây ra.
Theo NAO, thách thức hiện nay đối với Chính phủ Anh là làm thế nào để chú trọng đủ mức cho công tác phòng ngừa và chuẩn bị ứng phó với rủi ro thiên tai cũng như đưa ra các quyết định sáng suốt về ưu tiên đảm bảo đầu tư đầy đủ, hiệu quả trong dài hạn.
NAO cho rằng việc thiếu các mục tiêu và những chiến lược hiệu quả cũng như việc chưa theo dõi và đánh giá những phí tổn liên quan tới thời tiết cực đoan khiến chính phủ khó đưa ra được các quyết định đầu tư sáng suốt. Vì vậy, cơ quan này khuyến nghị các bộ ngành trong chính phủ cần đẩy mạnh tiếp cận theo hướng phối hợp và ưu tiên cho đầu tư vào khí hậu cũng như nâng cao khả năng chống chịu; phát triển hướng tiếp cận đó kể từ nay đến năm 2025 và thực hiện vào năm 2028, sớm hơn so với mục tiêu đề ra ban đầu là năm 2030.