Những đội tàu đánh cá lớn, những hãng tàu vận chuyển toàn cầu và sự ô nhiễm từ đất liền thải ra biển đang kết hợp với tình trạng biến đổi khí hậu khiến đại dương suy giảm.
Người đứng đầu cuộc nghiên cứu, Kendall Jones thuộc Đại học Queensland, Australia và Hội bảo tồn động vật hoang dã cho biết: “Hiện tại có rất ít biển hoang dã còn tồn tại. Đại dương bao phủ hơn 70% hành tinh của chúng ta, nhưng chúng ta đã tác động đáng kể đến hầu hết hệ sinh thái rộng lớn này”.
Jones cho biết, những gì còn sót lại ở vùng nước hoang dã cho thấy cuộc sống đại dương vô cùng sôi động trước khi có hoạt động của con người thống trị hành tinh. “Đó là những nơi có mức đa dạng sinh học biển chưa từng có. Bạn có thể tìm thấy quần thể động vật ăn thịt đỉnh cao như cá mập”. Hồi tháng Giêng, các nhà khoa học đã cảnh báo đại dương đang rất ngột ngạt, các khu vực chết khổng lồ gia tăng gấp 4 lần kể từ năm 1950, và vào tháng Hai năm nay, các bản đồ mới cho thấy một nửa đại dương trên thế giới hiện đang bị đánh bắt công nghiệp.
“Hiện đại dương đang bị đe dọa ở mức độ chưa từng có trong lịch sử” - Sir David Attenborough nói khi kết thúc loạt phim BBC Blue Planet 2 vào tháng 12.
Nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Current Biology đã phân loại khu vực đại dương là vùng hoang dã nếu chúng chịu tác động của con người dưới 10% (tác động đó có thể là đánh bắt dưới đáy hoặc kết hợp tất cả các mối nguy hại mà con người thực hiện). “Đại đa số các vùng hoang dã biển có thể biến mất bất cứ lúc nào khi mà những cải tiến trong công nghệ cho phép con người câu cá sâu hơn và tàu đi xa hơn bao giờ hết” - Jones nói.
Ngoài tác động của con người, biến đổi khí hậu cũng đang gây ra thiệt hại ngày càng tăng. Theo ông Jones, khu vực hoang dã Bắc cực được bảo vệ bởi lớp phủ băng trong những năm 1970 đã bị mất sau khi băng tan chảy và tàu đánh cá tiếp cận chúng. “Trong tương lai, khi biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn, tôi nghĩ rằng mối đe dọa sẽ gia tăng ở khắp mọi nơi trong đại dương” – ông Jones dự đoán.
Thành viên Ủy ban Hải dương học liên chính phủ điều hành bởi Unesco, Ward Appeltans đã phát biểu: “Tuyên bố chỉ có 13% diện tích đại dương hoang dã là để nhấn mạnh rằng chúng ta cần một hiệp ước bảo tồn đại dương toàn cầu hơn bao giờ hết”.
Người đứng đầu cuộc nghiên cứu Kendall Jones nói thêm: “Ngoài việc khẳng định giá trị thiên nhiên thì những hệ sinh thái biển hoạt động vô cùng quan trọng đối với Trái Đất. Chúng duy trì các quá trình sinh thái mà hệ thống khí hậu và hệ thống Trái đất hoạt động – Nếu không có chúng, chúng ta có thể phải chứng kiến những hậu quả khốc liệt và không lường trước được”.
Đại đa số các vùng hoang dã biển có thể biến mất bất cứ lúc nào khi mà những cải tiến trong công nghệ cho phép con người câu cá sâu hơn và tàu đi xa hơn bao giờ hết