Theo báo cáo khoa học được Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) công bố ngày 1/3, tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn tiến ngày một tồi tệ, và sẽ sớm vượt qua khả năng thích ứng của con người và thiên nhiên.
Có sự tham gia của 270 nhà nghiên cứu từ 67 quốc gia, báo cáo khẳng định các nước trên thế giới vẫn chưa làm tròn phận sự của mình để chống biến đổi khí hậu. Những đợt hạn hán kỷ lục vẫn diễn ra, và mực nước biển ngày một dâng cao hơn.
Trung Quốc và Đức là những nước bị tàn phá nặng nề nhất bởi lũ lụt. Cháy rừng bùng phát dữ dội ở Úc và Siberia. Các đợt nắng nóng khiến hàng trăm người thiệt mạng tại Mỹ và Canada. Chỉ riêng năm 2019, những hiện tượng thời tiết cực đoan khác đã khiến 13 triệu người tại châu Á và châu Phi mất nơi ở. Không chỉ vậy, muỗi (xuất hiện rất nhiều sau mỗi đợt lũ lụt) góp phần lan truyền bệnh sốt rét và sốt xuất huyết tới nhiều vùng đất mới. Và một nửa dân số thế giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngọt ít nhất 1 lần trong năm.
|
Hai cha con người Ấn Độ lội qua con đường ngập lụt sau một trận mưa lớn ở thành phố Chennai (Ấn Độ) năm ngoái. (Ảnh: New York Times) |
"Hậu quả mà biến đổi khí hậu gây ra tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán của chúng tôi," Camille Parmesan, một nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho biết.
"Báo cáo này đã cho thấy biến đổi khí hậu đã tàn phá môi trường và con người nhiều hơn chúng ta tưởng tượng," António Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết.
Thời gian qua, nhiều quốc gia đã chi hàng tỷ USD mỗi năm để xây dựng đê điều, rào chắn lũ, điều hoà không khí và hệ thống cảnh báo bão nhiệt đới. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, số người thiệt mạng do thiên tai lũ lụt trên toàn thế giới đã giảm hơn một 50 năm qua. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn không đáng là bao nếu so với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
Một công trình tường chắn sóng ở vùng trũng của thành phố Manila, Philippines. (Ảnh: New York Times) |
Nghiên cứu cũng cảnh báo, nếu các quốc gia không thể ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, rất nhiều người sẽ phải rời bỏ chỗ ở để chạy trốn tới nơi khác, tạo ra những cuộc di dân lớn. Để ngăn chặn điều này, thế giới cần phải hoàn toàn loại bỏ nhiên liệu hoá thạch vào năm 2050. Tuy nhiên, hầu hết mọi nước đều đang đi chệch mục tiêu.
Các chuyên gia dự báo nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng từ 1,5-3 độ C, với tốc độ chống biến đổi khí hậu hiện nay.
Với mức tăng 1,5 độ C, khoảng 8% diện tích đất nông nghiệp trên thế giới sẽ không thể trồng trọt được nữa. Khoảng 70-90% rạn san hô sẽ biến mất, và số người phải sống trong cảnh ngập lụt sẽ tăng hơn 20%.
Với mức tăng 2 độ C, từ 800 triệu đến 3 tỷ người sẽ bị khan hiếm nước ngọt triền miên do hạn hán. Thêm 1,4 triệu trẻ em ở châu Phi có thể phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Với mức tăng 3 độ C, khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tăng gấp 5 lần. Lũ lụt và mưa bão sẽ gây ra thiệt hại kinh tế gấp 4 lần hiện nay. 29% loài động thực vật trên đất liền sẽ có nguy cơ tuyệt chủng.
Xác động vật chết tại vùng Serido thuộc nước Brazil. Vùng đất này bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và sa mạc hóa. (Ảnh: New York Times) |
"Nếu chúng ta không cải tiến cơ sở hạ tầng và xem xét lại cách tổ chức xã hội của mình, mọi thứ sẽ trở nên rất tồi tệ," Maarten van Aalst, một nhà khoa học tham gia nghiên cứu khẳng định.
Một điều đáng chú ý được báo cáo chỉ ra, đó là biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất tới các nước nghèo. Từ năm 2010 - 2020, số người tử vong do thời tiết cực đoan tại các nước nghèo nhiều hơn 15 lần so với các nước giàu có.
"Những nước có ít tài nguyên nhất, ít chịu trách nhiệm nhất cho biến đổi khí hậu, đang phải chịu hậu quả nặng nề nhất," Ani Dasgupta, chủ tịch Tổ chức Tài nguyên Thế giới nhận xét.