Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp tiêu thụ khẩu trang đã thông báo hết hàng, trong khi một số công ty khác phải kiềm chế số lượng mua của từng khách để tránh tình trạng tích trữ ồ ạt.
Nhà bán lẻ trực tuyến Amazon đang kiểm soát mặt hàng khẩu trang trên nền tảng của mình nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng khỏi những vụ lừa đảo.
Tại Hàn Quốc, cảnh tượng hàng trăm người xếp hàng để mua mặt nạ từ một cửa hàng giảm giá những ngày này không còn xa lạ. Tin đồn rằng giấy vệ sinh và khăn ăn có thể được sử dụng làm khẩu trang khiến những kệ hàng tại nhiều siêu thị châu Á uôn trong tình trạng "sạch bong".
Trong khi đó, bệnh nhân và nhân viên y tế - hai đối tượng thực sự có nhu cầu sử dụng khẩu trang, lại rơi vào cảnh thiếu hụt vật tư y tế này.
Người dân Hong Kong kê ghế nhựa xếp hàng đợi mua khẩu trang. Ảnh: AP |
Sự thiếu hụt này không chỉ do nhu cầu mua sắm cao đột biến mà còn do sự gián đoạn trong nguồn cung: khoảng 50% khẩu trang y tế phẫu thuật trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, theo ước tính của nước này.
Nhưng ngay cả khi các nhà máy Trung Quốc đã tăng cường sản xuất thì họ vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu trong nước. Ngay sau đó, chính phủ đã tiếp quản các nhà sản xuất và hạn chế xuất khẩu trang ra nước ngoài.
"Trước khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã từng xuất khẩu 600.000 - 700.000 khẩu trang mỗi tháng, nhưng bây giờ thì không có để xuất khẩu", ông David Peng, quản lý của Công ty thương mại quốc tế Ninh Ba, cho biết.
Các nhà cung cấp của công ty này ở Hồ Bắc hiện đã được yêu cầu ưu tiên các đơn đặt hàng của chính phủ.
Ngoài sự thiếu hụt nhân công, các nhà sản xuất cho biết họ đang gặp khó trong việc xoay sở đủ nguyên liệu thô để làm khẩu trang. Tony Zhou, giám đốc bán hàng của Công ty Sản xuất Sản phẩm Bảo vệ Tô Châu, cho biết công ty của ông đang yêu cầu khách hàng nước ngoài đợi thêm vài tháng để nhận được những lô hàng xuất khẩu đầu tiên.
Tại Mỹ, các công ty như Walgreen, Home Depot, Lowe’s vàTrue Value Hardware cho biết doanh số khẩu trang đã tăng mạnh trong vài tuần qua và đang tranh giành nhau tìm được các nhà cung cấp.
Marc Jaconski, chủ một cửa hàng True Value Hardware ở Philadelphia, cho biết nhu cầu mua mặt nạ N95 đã tăng vọt kể từ hứ Ba, khi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cảnh báo rằng virus corona gần như chắc chắn sẽ lây lan trên toàn nước Mỹ.
Biển hiệu "Hết khẩu trang" treo bên ngoài một hiệu thuốc ở thị trấn Codogno, miền Bắc nước Ý. Ảnh: AP |
Jaconski cho biết cửa hàng của anh đã bán sạch 1.000 khẩu trang N95 trong hai tuần qua. Nhiều khách hàng trong cơn tuyệt vọng chỉ còn cách mua những loại khẩu trang chống bụi thông thường hay thậm chí là mặt nạ phòng độc vốn có giá tới 60 USD.
Mặc dù CDC không khuyến cáo mọi người dân đều phải đeo khẩu trang, nhưng những người nhiễm bệnh hoặc có triệu chứng nghi nhiễm nên đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho người khác. Nhân viên y tế cũng cần đeo khẩu trang, cơ quan này cho biết.
Mike Ganio thuộc Hiệp hội Dược sĩ Mỹ cho biết một số nhà thuốc bệnh viện cho biết số lượng khẩu trang của họ chỉ còn đủ bán trong 1-2 tuần còn các nhà buôn lớn cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu đặt mua do thiếu hụt nguồn cung.
Trong bệnh viện, mặt nạ phẫu thuật được đeo bởi các đội phẫu thuật - bác sĩ, y tá, bác sĩ gây mê - và thường xuyên bởi dược sĩ. Nhân viên chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm trùng nguy hiểm đeo khẩu trang N95.
Tại Canada, nữ bác sĩ thú ý Sarah Boston thường sử dụng 10 đến 15 khẩu trang phẫu thuật mỗi tuần. Hiện cô đã phải chuyển sang sử dụng một loại khẩu trang khác do loại thường dùng đã hết hàng.
"Các đại lý tôi thường mua cho biết họ rất lo lắng khi không thể đặt mua thêm khẩu trang", nữ bác sĩ nói.
Boston thấy rất nhiều người đeo chúng không đúng cách - ví dụ như chỉ che miệng mà không che mũi, cô cũng khuyến cáo với các khách hàng rằng có những phương pháp bảo vệ khác hiệu quả hơn, như rửa tay thường xuyên.
Các công ty sản xuất mặt nạ đang cố gắng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tập đoàn Medicom, một công ty cung ứng y tế ở Montreal (Canada), thường sản xuất 150 triệu khẩu trang mỗi năm tại nhà máy gần Angers, Pháp. Vào đầu tháng 2, nhà máy này nhận được đơn đặt hàng 500 triệu khẩu trang. Điều này khiến Medicom phải thuê thêm nhân công và tăng gia sản xuất tại hai nhà máy ở Thượng Hải và ở Augusta (Mỹ).
3M, nhà sản xuất có trụ sở tại bang Minnesota của Mỹ, cho biết họ đã đẩy mạnh sản xuất mặt nạ phòng độc tại các cơ sở của mình ở Châu Âu, Châu Á và Nam Mỹ.
Còn tại châu Á, nhu cầu sử dụng khẩu trang khổng lồ đã khiến nhiều nhà máy phải thay đổi dây chuyển để chuyển sang sản xuất khẩu trang.
Nhiều hàng dài người nhẫn nại xếp hàng trước các cửa hàng bán khẩu trang ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP |
Nhà máy Foxconn tại Đài Loan, vốn sản xuất các sản phẩm cho Apple, cho biết họ đã bắt đầu sản xuất khoảng 1 triệu mặt nạ mỗi ngày.
Tại Ý - tâm dịch Covid-19 của châu Âu, chính phủ nước này đã gặp gỡ các đơn vị sản xuất để xây dựng một hệ thống phân phối tập trung nhằm kịp thời phân phối khẩu trang tới miền Bắc - nơi có nhiều bệnh nhân nhất trên cả nước.
Tiến sĩ John Huber, một nhà tâm lý học lâm sàng và chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Mainux Mental Health có trụ sở tại Austin, Texas, cho biết các nhà bán lẻ cần làm tốt hơn việc xoa dịu những khách hàng sợ hãi và chia sẻ khuyến cáo của CDC.
"Tâm lý sợ hãi đến từ sự không hiểu biết. Một khi chúng ta hiểu điều gì đó, chúng ta không còn xu hướng sợ hãi nữa", ông Huber chỉ ra.