Hai tháng trước, những người Ý gốc Hoa là mục tiêu của làn sóng phân biệt đối xử đáng xấu hổ, đã có những lời lăng mạ và tấn công nhắm vào họ do tâm lý lo sợ dịch bệnh, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Nhưng tại thị trấn Prato vùng Tuscan, nơi có cộng đồng người Trung Quốc lớn nhất ở Ý, điều ngược lại đã xảy ra. Từng là "vật tế thần", giờ đây những người gốc Hoa được các nhà chức trách coi là hình mẫu cho việc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh sớm và nghiêm ngặt.
"Những người Ý chúng tôi sợ rằng người Trung Quốc tại Prato sẽ là một vấn đề. Thay vào đó, họ đã làm tốt hơn chúng tôi", ông Renzo Berti, quan chức y tế của khu vực, cho biết.
Doanh nhân Luca Zhou đến từ thị trấn Prato, miền Trung nước Ý - nơi có khoảng 5 vạn người gốc Hoa sinh sống. Ảnh: Reuters |
Người gốc Hoa chiếm khoảng 1/4 dân số Prato, nhưng ông Berti cho rằng họ đã hạ thấp toàn bộ tỷ lệ nhiễm bệnh của thị trấn xuống gần một nửa mức trung bình của Ý - 62/100.000 dân so với mức trung bình là 115/100.000.
Cộng đồng người Trung Quốc ở Prato, có ngành nghề chính là dệt may, đã gần như cách ly xã hội vào cuối tháng 1, khoảng 3 tuần trước khi nước Ý ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên.
Nhiều người đã trở về từ kỳ nghỉ Tết ở Trung Quốc, họ đã thấy những gì xảy ra ở quê nhà và lan truyền thông điệp: hãy ở trong nhà.
Vì vậy, khi người Ý đổ xô tới các khu trượt tuyết và chen chúc vào các quán cà phê như mọi khi, người gốc Hoa dường như đã biến mất. Các khu phố người Hoa tại Prato, dù vẫn còn dán câu đối và chữ Hỷ, gần như đóng cửa suốt ngày, các cửa hàng cũng không hoạt động.
Francesco Wu, người làm kinh doanh nhà hàng, cho biết ông đã thúc giục các đối tác Ý đóng cửa nhà hàng kể từ tháng 2.
"Hầu hết trong số họ nhìn tôi như một kẻ điên. Không ai tin dịch bệnh sẽ bùng phát. Còn bây giờ thì tất cả chúng ta đều bị mắc kẹt ở trong nhà", ông Wu chia sẻ.
Những kẻ kỳ quặc
Khi doanh nhân Luca Zhou bay từ Trung Quốc về nhà vào ngày 4/2 ở Prato, ông đã tự mình cách ly khỏi vợ và con trai trong 14 ngày.
Sau thời gian tự cách ly, ông Zhou khi ra đường vẫn cẩn thận đeo khẩu trang và găng tay. Ông cho biết nhiều người gốc Hoa cũng đeo khẩu trang do lo sợ sẽ lây bệnh cho người khác.
"Chúng tôi đã nhìn thấy những gì đang xảy ra ở Trung Quốc và lo sợ cho chính mình, gia đình và bạn bè của chúng tôi", người đàn ông 56 tuổi cho biết. |
"Những người bạn Ý xem tôi như một kẻ kỳ quặc. Tôi đã cố gắng nhiều lần để giải thích rằng họ nên dùng khẩu trang, nhưng họ không chịu nghe", Zhou nói.
Người này cho biết khi trở lại Prato, không một nhà chức trách sở tại nào hỏi thăm mình. "Chúng tôi tự làm tất cả mọi thứ để phòng hộ. Nếu chúng tôi không làm điều đó, tất cả mọi người sẽ bị nhiễm bệnh, cả người Trung Quốc và người Ý", ông Zhou chia sẻ.
Ý là một trong những quốc gia đầu tiên cắt đứt các chuyến bay với Trung Quốc, vào ngày 31/1, tuy nhiên nhiều người dân Trung Quốc đã tìm đường về nhà qua các nước thứ ba.
Vào ngày 8/2, gần một tháng trước khi đóng cửa tất cả các trường học, chính phủ Ý đã cho các du học sinh trở về từ kỳ nghỉ ở Trung Quốc có quyền dừng tham gia các lớp học.
Ông Renzo Berti cho biết, đã có hơn 360 gia đình gốc Hoa đã đăng ký tự cách ly và tham gia chương trình giám sát sức khỏe từ xa. Khi dịch bệnh bùng phát tại Ý vào cuối tháng 2, một số gia đình đã gửi con về Trung Quốc để tránh dịch.
Sinh viên đại học 23 tuổi Chiara Zheng cũng đã tự cách ly mình sau khi trở về từ quê nhà Trung Quốc.
"Tôi đã ý thức được sự nghiêm trọng của tình hình. Tôi cảm thấy có bổn phận phải làm điều đó cho những người khác và những người gần gũi với tôi", Zheng nói.