Công ty luật Pháp Việt đòi nợ “khủng bố” như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong vòng hai năm, Công ty Luật TNHH Pháp Việt dùng nhiều thủ đoạn uy hiếp tinh thần của hơn 172.000 người là khách hàng có nợ chưa trả tại 7 ngân hàng và công ty tài chính để cưỡng đoạt số tiền hơn 456 tỷ đồng, hưởng phí dịch vụ đòi nợ thuê hơn 168 tỷ đồng.

Bài 1: Đe doạ theo 3 cấp độ, từ chửi bới đến gửi vòng hoa tang

Tháng 10/2022, Ban Giám hiệu và thầy cô tại một trường tiểu học ở Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nhận được nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn đòi nợ liên quan đến gia đình một học sinh lớp 3 có tên H.T (SN 2014). Các đối tượng đe doạ, yêu cầu nhà trường cho H.T nghỉ học, gây áp lực để tác động gia đình nữ sinh trả nợ nếu không sẽ “xử” luôn người thân giáo viên lẫn lãnh đạo nhà trường.

Sau đó, một bình gas loại 12kg được giao đến cổng ngôi trường này. Cùng thời điểm, một người lạ gọi vào số điện thoại cố định của trường gặp Hiệu trưởng, yêu cầu chỉ đạo cô giáo chủ nhiệm của học sinh H.T ra nhận bình gas nếu không sẽ cho nổ. Những hành động và lời lẽ đe doạ làm cả trường hoang mang tột độ nên sự việc được trình báo công an.

Công ty luật Pháp Việt đòi nợ “khủng bố” như thế nào? ảnh 1
Công an kiểm tra, khám xét, thu giữ vật chứng tại nơi làm việc của các đối tượng vào năm 2023 - Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Tiền Giang.

Cơ quan chức năng xác định, học sinh H.T là cháu của anh N.V.B (SN 1986, ở Thị xã Cai Lậy). Vào năm 2019, anh B. vay tín chấp 50 triệu đồng tại Ngân hàng OCB chi nhánh Long An, thoả thuận mỗi tháng trả 2,5 triệu đồng cả gốc và lãi trong thời gian 36 tháng. Tuy nhiên, khi trả được 3 tháng thì người đàn ông mất khả năng thanh toán nên thay sim đổi số và chuyển đến nơi khác sinh sống, làm việc.

Giữa năm 2022, anh B. nhận được nhiều cuộc gọi yêu cầu trả nợ cho Ngân hàng OCB, cả gốc lẫn lãi là 180 triệu đồng cùng lời hâm doạ sẽ giết con anh. Cùng lúc này tại quê nhà, em gái anh B. - là mẹ ruột của học sinh H.T - cũng nhận được những cuộc gọi tương tự. Quá hoảng sợ, người đàn ông chuyển trả 10 triệu đồng. Các đối tượng tiếp tục nâng cấp độ đòi nợ lên mức cao hơn bằng cách gửi bình gas đến trường tiểu học kể trên để uy hiếp.

Tháng 2/2023, Công an Thị xã Cai Lậy, Công an Tiền Giang phối hợp với Công an TP.HCM và Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đồng loạt thi hành Lệnh khám xét khẩn cấp trụ sở chính và hai chi nhánh của Công ty Luật TNHH Pháp Việt đặt tại Q.Tân Bình và Q.Tân Phú (TP.HCM), bắt giữ nhiều đối tượng, thu nhiều tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi đòi nợ kiểu khủng bố vừa nêu.

Thu nợ càng nhiều, hoa hồng càng cao

Theo tài liệu điều tra, Trần Văn Châu (SN 1980, quê Bình Định) sau khi tốt nghiệp trường luật ở TP.HCM thì làm việc tại một số ngân hàng và công ty tài chính. Trải qua nhiều năm kinh nghiệm quản lý, xử lý nợ tại Ngân hàng Standard Chartered, Công ty FE Credit nên Châu quen biết và trở nên thân thiết với Hồ Quốc Hùng (SN 1987, ở TP.HCM) cũng từng có thời gian làm việc tại các tổ chức tín dụng này.

Vào năm 2020, cả hai nhận thấy lĩnh vực thu hồi nợ có mức thu nhập cao nên bắt đầu liên kết với một công ty thu hồi nợ có địa chỉ tại Q.Gò Vấp để hoạt động. Không bao lâu sau, Luật Đầu tư năm 2020 cấm đầu tư, kinh doanh dịch vụ đòi nợ nên Châu liên hệ, nhận chuyển nhượng lại Giấy phép đăng ký kinh doanh Công ty Luật TNHH Pháp Việt của một nữ luật sư.

Tháng 8 cùng năm, Công ty Luật TNHH Pháp Việt chính thức được Sở Tư pháp TP.HCM cấp Giấy đăng ký hoạt động, địa chỉ trên đường Lê Văn Huân, P.13, Q.Tân Bình. Công ty Pháp Việt ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với 7 ngân hàng và công ty tài chính, lợi dụng danh nghĩa hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép “tham gia tố tụng theo quy định pháp luật, tư vấn pháp luật, thực hiện dịch vụ tư vấn pháp lý khác theo quy định pháp luật và đại diện ngoài tố tụng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật” để tổ chức thu hồi nợ thuê.

Công ty luật Pháp Việt đòi nợ “khủng bố” như thế nào? ảnh 2

Công ty Pháp Việt từng đặt trụ sở chính trên đường Lê Văn Huân, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM.

Châu và Hùng bàn bạc, thống nhất thuê nữ luật sư đứng danh nghĩa Giám đốc, hàng tháng nhận lương 15 triệu đồng nhưng không đến trụ sở làm việc, cũng như không tham gia quản lý, điều hành. Châu giữ vai trò là Phó Giám đốc điều hành toàn bộ hoạt động, Hùng là Phó Giám đốc vận hành, có trách nhiệm vạch ra các giải pháp thu hồi nợ và đốc thúc thu hồi nợ. Giúp sức đắc lực dưới trướng có Nguyễn Đình Thành (SN 1990, quê Quảng Nam) - Trưởng phòng nghiệp vụ 1 và Nguyễn Minh Hoàng (SN 1992, ở TP.HCM) - Trưởng phòng nghiệp vụ 2.

Công ty Pháp Việt tăng cường tuyển nhân sự, các ứng viên đa số phải học hết lớp 12, có khả năng giao tiếp lưu loát, biết sử dụng điện thoại di động, máy tính bàn, các mạng xã hội. Khi được nhận vào làm việc, mỗi người sẽ được cấp một bộ máy tính để bàn có kết nối mạng nội bộ và kết nối Internet. Danh sách nhân sự tại công ty lên đến hàng trăm người. Các nhân viên được chia thành 20 nhóm nhỏ, mỗi nhóm có một Trưởng nhóm quản lý trực tiếp, dưới quyền của Phòng nghiệp vụ 1 và Phòng nghiệp vụ 2.

Hai lãnh đạo Công ty Pháp Việt quy định mức lương cơ bản cho nhân viên là 6 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, nếu thu hồi vượt mức sàn từ 40 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng sẽ được nhận thêm tiền thưởng là 07%/số tiền vượt; thu hồi được từ 100 triệu đồng đến dưới 180 triệu đồng sẽ được nhận 08%/số tiền vượt; thu hồi được từ 180 triệu đồng trở lên sẽ được nhận 09%/số tiền vượt, trường hợp nếu nhân viên trong 3 tháng liên tục có tổng số tiền thu hồi được dưới 90 triệu đồng sẽ bị cho thôi việc.

Các Trưởng nhóm sẽ nhận mức lương cơ bản 12,5 triệu đồng/tháng. Nếu tổng số tiền thu hồi được của các nhân viên trong nhóm dưới 700 triệu đồng/tháng thì Trưởng nhóm nhận tiền thưởng bằng 0,9% tổng doanh thu; nếu thu được từ 700 triệu đồng/tháng trở lên thì được hưởng 1,1% của tổng doanh thu. Phần trăm trích để hưởng lương của nhân viên và Trưởng nhóm tùy thuộc vào thời gian nợ xấu thể hiện trong từng hợp đồng.

“Tháp giải pháp” 3 cấp độ

Hàng tháng, các thành viên chủ chốt của Công ty Pháp Việt sẽ họp đánh giá kết quả thu nợ, bàn bạc kế hoạch cho tháng tiếp theo. Hai Phó Giám đốc chỉ đạo các Trưởng phòng, Trưởng nhóm tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc nhân viên trong nhóm tăng cường thu nợ, bất chấp các thủ đoạn đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay nhằm đạt được doanh số và đem lại lợi nhuận cho Công ty Pháp Việt để trả lương, chi thưởng và chia cổ tức với các cổ đông góp vốn.

Công ty luật Pháp Việt đòi nợ “khủng bố” như thế nào? ảnh 3

Một đoạn tin nhắn đe doạ đòi nợ của Công ty Pháp Việt.

“Tháp giải pháp” gồm ba cấp độ được thông qua, thứ nhất gọi điện nhắc nhở và chửi bới, đe dọa để khách trả tiền; thứ hai gọi điện đe dọa sẽ giết người thân, ghép hình đăng lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa cho mất việc làm; thứ ba đặt vòng hoa tang, bình gas, xăng, thực phẩm,… đem đến nhà, cơ quan nơi khách hàng hoặc người thân của khách hàng đang làm việc để đe dọa, uy hiếp buộc trả tiền.

Từng tháng, sau khi nhận thông tin từ các công ty tài chính và ngân hàng chuyển đến qua email, Châu và Hùng giao cho các Trưởng phòng để các Trưởng phòng phân chia cho các Trưởng nhóm, các Trưởng nhóm giao cho các thành viên thực hiện thu hồi nợ theo kế hoạch đề ra. Các nhân viên sử dụng điện thoại có chức năng giả giọng nói, dùng các sim rác, lập và sử dụng các ứng dụng Zalo, Facebook, Telegram gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa, chửi bới, xúc phạm người vay cùng người thân của họ.

Nhân viên trong cùng một nhóm hỗ trợ, phối hợp với nhau gọi điện đe dọa để gây áp lực với người vay. Khi người vay lo sợ hoặc không muốn bị quấy rầy, làm phiền, đồng ý trả tiền, các nhân viên sẽ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của ngân hàng hoặc công ty tài chính mà khách hàng đã vay, chụp lại biên lai gửi cho nhân viên tổng hợp, báo cáo. Công ty Pháp Việt sau đó sẽ đề nghị các ngân hàng và công ty tài chính đối tác thanh toán phần trăm tiền thù lao dịch vụ thu hồi nợ định kỳ mỗi tháng.

Công ty Pháp Việt hoạt động hiệu quả nên Châu và Hùng thống nhất tuyển thêm nhân viên, mở thêm 2 chi nhánh tại đường Thân Nhân Trung, P.13, Q.Tân Bình và đường Tây Thạnh, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú. Đầu năm 2021, hai người phụ nữ khác nhận thấy “sự hấp dẫn” đã tham gia góp vốn 5 tỷ đồng vào công ty này để chia lợi nhuận.

Theo cơ quan điều tra, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 14/2/2023, Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng cùng các thân tín bất chấp thủ đoạn đe dọa, uy hiếp tinh thần của hơn 172.000 người, cưỡng đoạt số tiền hơn 456 tỷ đồng, được các ngân hàng, công ty tài chính trả phí dịch vụ thu hồi nợ hơn 168 tỷ đồng. Vậy, những thoả thuận này như thế nào?

Xét xử hơn 110 bị cáo


TAND tỉnh Tiền Giang đang xét xử sơ thẩm vụ án “cưỡng đoạt tài sản” do Trần Văn Châu cùng 110 bị cáo thực hiện. Theo cáo trạng, trong hai năm, Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng lợi dụng danh nghĩa Công ty Luật TNHH Pháp Việt (có trụ sở tại TP.HCM) để ký hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý, hỗ trợ tiền tố tụng và tham gia khởi kiện tại tòa với 7 tổ chức tín dụng gồm: TPBank, OCB, Mcredit, JIVF, Shinhan, SHB Finance, VID. Đây là phiên tòa có số lượng bị cáo đông nhất kể từ trước đến nay được đưa ra xét xử trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, dự kiến xét xử đến hết tháng 8/2024.

Công ty luật Pháp Việt đòi nợ “khủng bố” như thế nào? ảnh 4

Phiên toà xét xử vụ án đang diễn ra tại Tiền Giang.

Bài 2: Thoả thuận gì với 7 ngân hàng, công ty tài chính

TIN LIÊN QUAN
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.