Trung Quốc dự kiến sẽ được bảo vệ khỏi tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng vì nước này đang dựa vào sản lượng gạo và lúa mì của mình để cung cấp cho 1,4 tỷ người, nhưng việc phụ thuộc vào nhập khẩu đối với một số cây trồng, như đậu nành, có thể khiến giá lương thực tăng vọt.
Tuần trước, Hiệp hội Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết các biện pháp phong tỏa đang bắt đầu tác động đến chuỗi cung ứng, chẳng hạn như ngành vận tải biển. Sự gián đoạn, đặc biệt là trong lĩnh vực hậu cần, có thể xảy ra trong những tháng tới.
Trong những tuần gần đây, các hạn chế xuất khẩu đã được áp dụng đối với một số loại thực phẩm chính như gạo và lúa mì khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng trên toàn cầu.
"Kết hợp với cuộc khủng hoảng châu chấu hiện tại ở Châu Phi và Trung Đông đang ảnh hưởng đến sản xuất lương thực, COVID-19 có thể tác động tiêu cực tới thị trường thực phẩm toàn cầu, dẫn đến tình trạng mua sắm hoảng loạn, hạn chế xuất khẩu và gián đoạn trong chuỗi cung ứng, khiến giá lương thực tăng vọt" theo ông Cheng Guoqiang, giáo sư tại Trường Kinh tế và Quản lý của Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Vì vậy, nếu dịch bệnh không thể được kiểm soát một cách hiệu quả, nó có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực thế giới nghiêm trọng và đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực đối với Trung Quốc và các quốc gia khác.
Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, cho biết đã có kế hoạch dự trữ trong nước và đình chỉ các hợp đồng xuất khẩu mới cho đến cuối tháng. Thái Lan đã cấm các lô hàng trứng gà trong một tuần, sau khi thiếu nguồn cung trong nước khiến nhu cầu tăng và giá tăng gấp đôi.
Tại Hong Kong, nơi Thái Lan và Việt Nam chiếm 80% lượng gạo nhập khẩu, hàng dài người đã xuất hiện trở lại bên ngoài các cửa hàng vào cuối tuần khi người dân tranh nhau dự trữ các nhu yếu phẩm.
Các nhà phân tích dự đoán các hạn chế xuất khẩu sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa, nhưng nói rằng tình trạng thiếu lương thực sẽ nổi bật hơn ở các quốc gia nhập khẩu mặt hàng chủ lực từ chỉ một hoặc hai nguồn.
"Sự gián đoạn trong việc cung cấp thực phẩm có thể xảy ra trong tháng 4 và tháng 5 do các biện pháp ngăn chặn và tinh trạng bùng phát dịch bệnh nhanh chóng", Maximo Torero Cullen, nhà kinh tế trưởng tại FAO, cho biết.
Sự lây lan của dịch đã tăng nhanh bên ngoài Trung Quốc trong vài tuần qua, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và Châu Âu, cả hai nhà xuất khẩu thực phẩm lớn.
Trung Quốc sẽ có thể duy trì nguồn cung thực phẩm. Đối với gạo, loại ngũ cốc chính ở miền Nam nước này, Trung Quốc đã nhập khẩu 2,5 triệu tấn trong năm 2019 nhưng cũng xuất khẩu 2,7 triệu tấn, theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Đối với lúa mì, Trung Quốc đã nhập khẩu 3,5 triệu tấn vào năm ngoái, chiếm 2,8% tổng lượng tiêu thụ lúa mì của quốc gia, vốn lên tới 124 triệu tấn.
Nhưng đối với một số cây trồng, như đậu nành, quốc gia này có mức độ phụ thuộc cao vào nước ngoài. Trung Quốc có tỷ lệ tự cung cấp dưới 20% đối với đậu nành, được sử dụng rộng rãi trong thức ăn chăn nuôi, theo giáo sư Cheng Guoqiang.
Quốc gia "tỷ dân" đã bị ảnh hưởng bởi giá thịt lợn nhập khẩu tăng vọt, sau khi 60% đàn lợn cả nước bị tiêu hủy do dịch tả châu Phi vào năm ngoái.
Đối với một số loại thực phẩm cụ thể, chẳng hạn như cá hồi, tôm, cá tra, mà Trung Quốc rất phụ thuộc vào nhập khẩu, nguồn cung hiện đang bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn đối với hậu cần tại các nước xuất khẩu, như Ấn Độ, Việt Nam và Na Uy.
Úc, một nhà xuất khẩu thực phẩm ròng, đã phải đối mặt với khó khăn trong việc giữ nguồn cung thực phẩm trong bối cảnh người dân đổ xô đi tích trữ hàng hóa trong siêu thị.
"Mặc dù hạn hán và cháy rừng kéo dài, nước này vẫn có đủ nguồn cung cấp thực phẩm để vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh", nhà nghiên cứu xã hội Mark McCrindle, cho biết.
"Vấn đề không phải là nguồn cung, ông McCrindle nói. "Mà là một quy trình không linh hoạt trong quá trình phân phối đúng thời điểm cùng với nhu cầu tăng đột biến".
"Úc đang chuẩn bị cho đợt hạn hán, sản xuất không bị ảnh hưởng nặng nề. Vấn đề lớn nhất là nhu cầu của người dân, đặc biệt là trong các siêu thị", ông McCndndle nói.