Hàng trăm hộ dân mua căn hộ tại Khu đô thị Ngoại giao đoàn (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vừa tiếp tục căng băng rôn phản đối. Lý do là chủ đầu tư thay đổi quy hoạch theo hướng chuyển lô đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế) sang đất xây bệnh viện tư nhân có tên gọi Bệnh viện Ung bướu Quốc tế Việt - Nhật. Theo phê duyệt, bệnh viện sẽ có chiều cao 12 tầng và 2 tầng hầm với mật độ xây dựng 40%.
Đây là một trong những hạng mục được điều chỉnh theo quy hoạch mới của dự án được UBND TP Hà Nội quyết định phê duyệt hồi tháng 5. Tuy nhiên, đại diện cư dân cho biết quyết định thay đổi mục đích sử dụng của lô đất được ký ban hành và có hiệu lực từ ngày 22/5 nhưng thực tế, bệnh viện tư nhân có quy mô trên 100 giường này đã được khởi công xây dựng từ đầu tháng 3.
"Việc khởi công xây dựng bệnh viện trước khi có quyết định phê duyệt quy hoạch gần 3 tháng cho thấy chủ đầu tư có biểu hiện vi phạm pháp luật", vị đại diện cư dân nói.
Mặt khác, cư dân cho rằng, theo quy định các bệnh viện, cơ sở y tế có quy mô từ 60 giường trở lên phải đánh giá tác động môi trường và chủ đầu tư dự án, chính quyền địa phương phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp. Tuy nhiên, theo ông, trên thực tế, không có cư dân nào sinh sống trong dự án Khu Đoàn Ngoại giao được tham gia các cuộc họp cộng đồng để lấy ý kiến về nội dung trên.
"Chủ đầu tư bệnh viện cũng đã tiến hành thi công hạng mục cọc móng mà chưa cung cấp cho cư dân bất cứ thông tin nào liên quan đến việc đánh giá tác động môi trường của một dự án một bệnh viện chuyên khoa tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn vệ sinh môi trường, đặc biệt là an toàn phóng xạ", đại diện cư dân bày tỏ sự lo ngại.
Theo ông, cư dân Khu Ngoại giao đoàn cũng rất bất an khi bệnh viện Ung bướu được đặt ngay trong lòng một khu đô thị hàng chục nghìn người sinh sống, ngay sát khu xử lý nước thải cho toàn bộ dự án, tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện cũng như nguồn nước sau xử lý của toàn khu. Điều này có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh viện, nguồn nước ngầm của toàn thành phố, hệ thống hồ điều hòa của dự án.
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) - chủ đầu tư dự án cho biết đã nhận được kiến nghị của cư dân liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch lô đất thành bệnh viện. Thừa nhận việc điều chỉnh do Hancorp đề xuất, song ông vẫn nhấn mạnh việc này đã được cơ quan quản lý phê duyệt.
Trước đó, Hà Nội quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu Ngoại giao đoàn với việc thay đổi công năng, tăng mật độ xây dựng. Một số lô đất trước đây được phê duyệt có chức năng công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng chỉ trên 20,5% thì nay tăng lên gấp đôi. Nhiều công trình công cộng có tầng cao trung bình là 5 tầng thì được chuyển đổi sang mục đích sử dụng là đất dịch vụ thương mại văn phòng, với tầng cao công trình gấp 3 lần, chưa kể tầng hầm. Những lô có chiều cao trung bình 7 tầng cũng được điều chỉnh lên 27 tầng, cộng thêm 3 tầng hầm…
Sau khi quy hoạch này được công bố, cư dân Khu đô thị đã nhiều lần căng băng rôn phản đối Hancorp thay đổi quy hoạch và cho rằng không được xin ý kiến về những điều chỉnh đó.
Theo phê duyệt quy hoạch năm 2010, Khu đô thị Ngoại giao đoàn đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển khu Đoàn ngoại giao, hướng tới một khu đô thị kiểu mẫu, đẳng cấp. Do đó, bên cạnh diện tích xây dựng trụ sở sứ quán, trụ sở cơ quan đại diện và tổ chức quốc tế, dự án còn có các tòa chung cư và mật độ xây dựng trung bình chỉ khoảng 30%, còn lại là các công trình công cộng.
70% diện tích còn lại là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng thấp tầng... được quảng cáo sẽ tạo nên không gian thoáng đãng và mát mẻ, có tầm nhìn rộng, cảnh quan hài hòa và gắn kết với không gian, cảnh quan của khu vực xây dựng các đại sứ quán, biệt thự thấp tầng. Cũng theo quảng cáo ban đầu, các tòa nhà được sắp đặt theo nguyên tắc không gian, đảm bảo không cản trở tầm nhìn.