"Nhiều khách hàng đến với tôi qua những cuộc nhậu như vậy, sau những lần chạm cốc", Xuân Tùng, môi giới chứng khoán 24 tuổi nói.
Chẳng riêng Tùng, nhiều người Việt khác cũng xem uống bia là một thói quen không thể thiếu. Vì thế mà những "phố bia" như Tạ Hiện ở Hà Nội vẫn kín lối đi giữa thời tiết giá lạnh; con đường bên kênh Nhiêu Lộc, TP HCM sáng đèn từ 4h chiều cho tới quá nửa đêm là những hình ảnh đã trở nên rất quen thuộc.
Trong một báo cáo công bố giữa năm 2017, Euromonitor International gọi Việt Nam là "chiến trường tiếp theo của những nhà sản xuất bia". Kế hoạch bán phần vốn Nhà nước tại 2 tổng công ty bia đã mở ra cánh cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường và hâm nóng cuộc chơi này.
Không mua cổ phần không có nghĩa những đối thủ sừng sỏ như Kirin, Asahi bỏ qua cơ hội tại thị trường Việt Nam. Còn Thaibev, sau khi chi ra 5 tỷ USD để thâu tóm Sabeco, có thể sẽ đưa bia Chang trở thành một trong những cái tên đáng quan tâm trên thị trường.
Câu chuyện được trông đợi nhất với những nhà sản xuất bia từ cuối năm 2016 và năm 2017 đã dần có kết quả. Thương vụ bán vốn Nhà nước tại hai doanh nghiệp đứng đầu về thị phần mỗi miền, Habeco ở miền Bắc và Sabeco ở miền Nam, được xem là nước đi quan trọng để Nhà nước rút dần khỏi những lĩnh vực không cần tham gia trực tiếp. Nhưng với thị trường, đây lại là tín hiệu cho một cuộc chiến mới.
"Việt Nam sẽ trở thành thị trường đáng chú ý. Nhờ văn hóa ẩm thực đường phố và quá trình đô thị nhanh, mức tiêu thụ bia tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2016-2021", báo cáo của Euromonitor về thị trường bia khu vực châu Á Thái Bình Dương viết.
Lượng tiêu thụ rượu bia trung bình trên thế giới không tăng trong vòng một thập niên gần đây nhưng ở thị trường Việt Nam lại vọt lên theo chiều "thẳng đứng". Năm 2008, Việt Nam mới đứng thứ 8 châu Á về tiêu thụ bia, nhưng 8 năm sau đã trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều thứ 3 trong khu vực, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), ngành bia Việt Nam do 4 công ty lớn nắm giữ, gồm: Habeco (Hanoi Brewery), Hue Brewery (do Carlsberg sở hữu 100% vốn), Sabeco (Saigon Brewery) và Heineken NV.
Trong đó, ba cái tên đầu tiên phản ảnh việc thị trường tập trung về mặt địa lý, còn Heineken giữ thị phần chính tại phân khúc các sản phẩm trung và cao cấp. Tổng cộng 4 doanh nghiệp kể trên theo ước tính giữ 90% sản lượng bia bán ra, 10% thị trường còn lại thuộc về một số doanh nghiệp mới như Masan Brewery, Sapporo, AB InBev hay Southeast Asia Brewery của Carlsberg.
Tuy nhiên, khi thương vụ thoái vốn tại Habeco và Sabeco đi tới hồi kết, "cuộc chiến" trên bàn nhậu của người Việt được dự báo sẽ lên mức độ mới. Haiaip thương vụ thoái vốn được đánh giá sẽ là động thái mở đường cho sự xuất hiện của những thương hiệu mới và tham gia sâu hơn của những cái tên cũ trên thị trường.
Với Sabeco, thông qua một pháp nhân tại Việt Nam là Công ty TNHH Vietnam Beverage, tập đoàn ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabakdi đã sở hữu hơn 53% tại doanh nghiệp sản xuất bia giữ thị phần lớn nhất tại Việt Nam.
Thương hiệu bia con voi của Thaibev có thể vẫn là điều xa lạ với đa phần "dân nhậu" Việt, nhưng tầm ảnh hưởng của tập đoàn này lại hoàn toàn khác. Thông qua nhiều thương vụ mua bán cổ phần và M&A, Thaibev đã trở thành một trong những thế lực trên thị trường hàng tiêu dùng.
Việt Nam được dự báo sẽ là "chiến trường tiếp theo của những nhà sản xuất bia". |
Ngoài số cổ phần tại Vinamilk trị giá hàng tỷ USD, năm 2015, tỷ phú giàu thứ 2 của Thái Lan cũng là người đứng sau thương vụ thâu tóm công ty Metro Cash & Carry Việt Nam với giá gần 800 triệu USD. Cuối năm 2017, chuỗi siêu thị này đổi tên thành MM Mega Market. "Láng giềng" với Thaibev, Central Group - Tập đoàn đến từ Thái Lan cũng vượt qua một loạt các đối thủ lớn để sở hữu Big C Việt Nam với giá trị thương vụ vào khoảng hơn một tỷ USD vào đầu năm 2016.
Lợi thế từ những hệ thống siêu thị có quy mô lớn nhất, cộng với 53% cổ phần tại Sabeco, thương hiệu bia Chang có thể sẽ là cái tên đáng chú ý trong cuộc chiến chia lại thị phần của thị trường bia Việt.
Cùng của Thaibev, Singha - tên tuổi lâu đời trong ngành bia của Thái Lan cũng đã rót 1,1 tỷ USD để mua cổ phần của Masan Consumer năm 2015. Không giấu tham vọng bành trướng, Bia Sư tử trắng của Masan Consumer từng đặt mục tiêu sẽ trở thành thương hiệu bia quốc gia, khi mà các thương hiệu khác như Bia Huế, Bia Hà Nội hay Bia Sài Gòn chỉ mang tính địa phương.
Tuy nhiên, không chỉ có những cái tên này, danh sách dài những "đại gia" sản xuất bia trên thế giới từng thể hiện nguyện vọng mua cổ phần của Sabeco, cũng phần nào cho thấy tương lai của thị trường bia Việt. Khi thị trường Nhật không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, Kirin và Asahi đã lên kế hoạch tìm kiếm những thị trường mới để đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Và Việt Nam là một trong số đó.
Trả lời Bloomberg, phát ngôn viên của Kirin Holdings tại Tokyo cho biết châu Á và châu Đại Dương là những thị trường trọng tâm mà tập đoàn này hướng tới, và Việt Nam là thị trường được quan tâm đầu tư khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng trong những năm gần đây.
"Không có nhiều thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng như tại Việt Nam", John Ditty, một lãnh đạo tại bộ phận tư vấn của KPMG Việt Nam trả lời Bloomberg, cho biết.
Việc thoái vốn Nhà nước cũng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng sự ảnh hưởng về mặt địa lý, đặc biệt là những công ty đang có sự hiện diện tại Việt Nam", John Ditty nhận định.
Tuy nhiên, với những cái tên mới như Bia Chang, Singha hay cả những thương hiệu đứng đầu thế giới, điều khó khăn nhất không còn là xâm nhập thị trường mà là làm sao thay đổi được thói quen của người tiêu dùng.
Khi mà những cuộc nhậu bên bờ kè Nhiêu Lộc vẫn phải bắt đầu bằng chai bia xanh mang thương hiệu Sài Gòn, những chiếc bàn nhựa trên vỉa hè Thủ đô phải có những vại Bia Hà Nội, việc bỏ ra hàng tỷ đô vẫn có thể chỉ là những thương vụ đầy may rủi.