Theo Nikkei Asian Review, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Tiên tiến (BARDA) - trực thuộc Bộ Y tế Mỹ - rót khoảng 1,2 tỷ USD vào chiến dịch phát triển vaccine chống COVID-19 kể từ khi virus corona chủng mới lây lan mạnh tại Mỹ từ đầu tháng 3.
BARDA đầu tư không chỉ vào nghiên cứu vaccine mà còn cả các chuỗi cung ứng y tế nhằm đảm bảo tiến độ phân phối sau khi vaccine được cấp phép. Mới đây, BARDA và Johnson & Johnson cùng cam kết chi hơn 1 tỷ USD để sản xuất hơn 1 tỷ liều vaccine.
Trước đó, Moderna - một tập đoàn công nghệ sinh học có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ) - nhận khoản trợ cấp 483 triệu USD từ BARDA để phát triển vaccine. Nhờ đó, giá cổ phiếu của tập đoàn này tăng lên 158% trong năm nay.
Thế giới đang đang chạy đua phát triển vaccine chống COVID-19. - Ảnh: Bloomberg. |
“Mỹ đặt mục tiêu có hàng trăm triệu liều vaccine trong tháng 1/2021. Chúng ta phải chủ động thay vì ngồi chờ câu trả lời”, bác sĩ Anthony Fauci - người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, thành viên lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 của Nhà Trắng - khẳng định.
Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang tăng tốc trong cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine chống virus corona chủng mới. Tại Trung Quốc, 3 công ty và viện nghiên cứu nhận hỗ trợ của chính phủ cũng đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng và sản xuất vaccine.
Cansino Biologics - một trong 3 công ty trên - trở thành hãng dược đầu tiên trên thế giới bước vào giai đoạn 2 của thử nghiệm lâm sàng (đánh giá hiệu quả). Mục tiêu là đẩy nhanh tốc độ thương mại hóa vaccine vào cuối năm nay.
Các nhà sản xuất y tế trên khắp thế giới tích cực tung ra nhiều nghiên cứu mới về vaccine và thuốc chữa COVID-19. - Ảnh: wthr.com. |
Tại châu Âu, Anh chi 20 triệu bảng (25,1 triệu USD) cho Đại học Oxford để hỗ trợ dự án phát triển vaccine chống COVID-19. Đại học Oxford và AstraZeneca mới ký thỏa thuận sản xuất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm nay.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đẩy mạnh nỗ lực phát triển vaccine bằng việc rót 80 triệu euro (88,1 triệu USD) cho một nhà sản xuất tại Đức. Công ty này sẽ ưu tiên phân phối vaccine cho khối EU.
Ở châu Á, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y tế Nhật Bản cũng mở rộng chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất vaccine.