Maria Karra, người sáng lập tổ chức từ thiện Emfasis ở Athens, không thể tin vào mắt mình khi hàng ngày chứng kiến tình cảnh khó khăn trên đường phố. Những hình ảnh ấy gợi cho cô cuộc khủng hoảng ở các quốc gia nghèo.
Theo Maria Karra số người vô gia cư trên đường phố Athens đã tăng 40% chỉ trong vòng ba tháng.
Người Hy Lạp cầu nguyện trước khi ăn trong một căn bếp từ thiện. |
Những người ở độ tuổi từ 26 đến 45 nằm trong nhóm vô gia cư ở Athens, theo Emfasis. Tổ chức từ thiện của Karra có khoảng 110 tình nguyện viên hoạt động tại Athens sáu buổi một tuần để hỗ trợ những người cần giúp đỡ. Họ tiếp cận với người vô gia cư, chỉ cho họ chỗ tắm rửa và phân phát thực phẩm, chăn cùng đồ dùng cần thiết. Emfasis từng giúp nhiều người có học thức và công việc ổn định trước khi khủng hoảng xảy ra. Những người này có thể nói về bất cứ điều gì, trừ hoàn cảnh của họ.
Người phụ nữ tên G trông trẻ trung trong bộ váy màu hồng sáng. Bà không có chỗ ở sau khi mất việc khoảng một năm nay. Không thể tìm nổi công việc khác, bà buộc phải ra đường sống vì chẳng có tiền thuê nhà. Hôm Karra tới chỗ bà G ngủ, bà vừa bị mất sạch thực phẩm và đồ đạc.
Những chuyện như vậy không hiếm. Mọi người thường bỏ lại đồ ở chỗ ngủ trong lúc đi kiếm đồ ăn hoặc tìm nhà vệ sinh. Khi trở lại, mọi thứ đã biến mất.
Tình trạng nghèo đói ở Hy Lạp đã trở nên trầm trọng hơn khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu 5 năm trước. Giờ đây, các nhóm cứu trợ và chính quyền địa phương đã bắt đầu cảm nhận được hệ quả của việc ngân hàng đóng cửa, khi Hy Lạp gồng mình cứu vãn hệ thống tài chính và cố thoát khỏi thời kỳ khó khăn đã kéo dài nhiều năm.
Những cảnh tượng như thế này ngày càng nhiều tại Hy Lạp. |
Và dĩ nhiên, nếu đạt bất kỳ thỏa thuận nào với các chủ nợ, Chính phủ sẽ phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu. Điều này cũng có nghĩa thuế sẽ tăng và áp lực lên nền kinh tế cũng mạnh theo.
Người dân đang phải xếp hàng dài ngoài ngân hàng để rút tiền mỗi ngày. Một số tổ chức cứu trợ cũng nhận thấy nguồn cung của họ đang dần hẹp lại. Thực phẩm, quần áo và thuốc men đã tăng giá gấp 5 ở một vài khu vực tại Athens chỉ trong 2 tuần qua.
Đương nhiên, không phải bất cứ người Hy Lạp nào cũng đều khốn đốn vì khủng hoảng. Ở trung tâm Athens và những khu sầm uất, các quán cà phê vẫn đông vui cho tới quá nửa đêm. Và nếu thỏa hiệp được với các chủ nợ thì ngân hàng sẽ sớm mở cửa trở lại.
Hoàng Thúy (t/h)
>>> Xem thêm:
Hy Lạp chấp nhận cải cách để nhận gói cứu trợ
Apple miễn phí 1 tháng sử dụng icloud cho khách hàng tại Hy Lạp