Văn phòng của ông Carter ra tuyên bố nêu rõ kế hoạch của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump "vi phạm luật pháp quốc tế liên quan đến quyền tự quyết, việc chiếm đất bằng vũ lực, và sáp nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng".
Trong tuyên bố, cựu Tổng thống Carter khẳng định: "Kế hoạch mới của Mỹ phá tan mọi hy vọng về một nền hòa bình giữa Israel và người Palestine. Nếu được thực thi, kế hoạch trên sẽ phá hỏng giải pháp duy nhất khả thi cho cuộc xung đột dai dẳng này - giải pháp hai nhà nước".
Ông kêu gọi các thành viên LHQ "ủng hộ các giải pháp của Hội đồng Bảo an LHQ và bác bỏ mọi hành động đơn phương của Israel về việc thực hiện ý tưởng cướp thêm đất của người Palestine".
Cựu Tổng thống Carter, 95 tuổi, là người đã làm trung gian hòa giải cho Thỏa thuận Trại David năm 1978, đem lại hòa bình giữa Ai Cập và Israel.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhấn mạnh Jerusalem "không phải món đồ để đem ra bán". Phát biểu tại thủ đô Ankara, ông Erdogan khẳng định kế hoạch hòa bình của Mỹ "là một dự án chiếm đóng... Thành phố Jerusalem là giới hạn đỏ của chúng tôi... Jerusalem không phải là món đồ để đem ra bán".
Trước đó, ngày 27/1, Tổng thống Trump đã công bố bản kế hoạch mang tên "Thỏa thuận Thế kỷ", trong đó thừa nhận chủ quyền của Israel đối với hầu hết các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và thung lũng Jordan, cũng như khẳng định thành phố Jerusalem là không thể chia cắt.
Kế hoạch này cũng ủng hộ một nhà nước Palestine với thủ đô là vùng ngoại ô của thành phố linh thiêng Jerusalem, song nói rằng giới lãnh đạo Palestine phải đồng ý phi quân sự nhà nước mới thành lập và phải thừa nhận Israel là đất quê hương của người Do Thái.
Người Palestine từ lâu đang nỗ lực để thành lập Nhà nước Palestine bên trong đường biên giới trước cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, với các vùng lãnh thổ như Dải Gaza, khu Bờ Tây và Đông Jerusalem, trong đó Đông Jerusalem sẽ là thủ đô. Tuy nhiên, sau cuộc chiến trên, Israel đã chiếm Đông Jerusalem và sáp nhập vào lãnh thổ nước mình cũng như tuyên bố toàn bộ Jerusalem là "thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt", trong một động thái bị cộng đồng quốc tế lên án.
Jerusalem là thành phố linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái, đặc biệt là khu vực phía Đông, nơi có quần thể Haram al-Sharif, mà người Israel gọi là khu Núi Đền.