Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Theo thông tin từ Đại sứ quán Hoa Kỳ, dữ liệu ô nhiễm không khí trên được đo bởi Trạm đo lường chất lượng không khí đặt tại Đại sứ quán Hoa Kỳ, số 7 Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Chỉ số chất lượng không khí đo được là 245. Chỉ số ô nhiễm này được đo dựa trên nguyên tắc tính toán nồng độ PM2.5 (bụi mịn 2.5) theo giờ ở microgram mỗi mét khối.
Thông tin từ Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng lưu ý, số liệu trên không thể phản ánh chính xác tình trạng không khí của cả một thành phố rộng lớn. Vì vậy số liệu đo được chỉ phản ánh chính xác nhất khu vực xung quanh nơi đặt máy, cụ thể là tại Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Trước đó, sáng 5/10, Trạm đo lường chất lượng không khí đặt tại Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hà Nội đã tiến hành đo mức độ ô nhiễm không khí của một số quốc gia trên thế giới. Kết quả đo và phân tích không khí cho thấy, thành phố Hà Nội xếp thứ hai trong số các thành phố ô nhiễm trên thế giới.
Danh sách những thành phố ô nhiễm nhất được đo sáng 5/10.
Chia sẻ với báo chí từ góc độ chuyên gia nghiên cứu về ô nhiễm môi trường, giáo sư tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng khẳng định, hiện nay thành phố Hà Nội đang bị ô nhiễm không khí nặng nề bởi bụi mịn và khí benzene.
Tuy nhiên, trị số nồng độ bụi PM2,5 do cơ quan môi trường Mỹ ghi nhận tại thành phố Hà Nội, chỉ là trị số cực hạn đột xuất ở thời điểm bất thường. Ví dụ, thời điểm đo có cơn gió thổi tức thời mang theo nồng độ bụi lớn đi qua thiết bị đo. Đây cũng không phải là trị số trung bình ngày nên không thể xem là trị số đại diện của ngày hôm đó để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Chính vì thế, ông Đăng cho rằng, để đánh giá mức độ ô nhiễm của một địa phương vào một ngày cụ thể nào đó, thì phải lấy trị số trung bình đo của 24 giờ liên tục ngày đó làm đại diện. Đánh giá mức độ ô nhiễm năm thì phải căn cứ vào trị số trung bình đo của cả năm liên tục từng ngày, từng giờ làm trị số đại diện.
“Không thể lấy trị số đo tức thời bất thường ở một thời điểm và ở một địa điểm nào đó làm trị số đại diện để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí trong ngày cho toàn thành phố được,” ông Đăng nói.
Về nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí, theo ông Đăng, ô nhiễm ở thành phố Hà Nội có thể gây ra bởi bụi thải ra từ các ống xả của các phương tiện giao thông, bụi phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng, và việc đốt rơm rạ sau vụ mùa.