Dẫn vợ con về quê ăn Tết

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đã Tết.

Không ai muốn đóng cửa, ngồi bó gối trong nhà, phải mở toang cánh cửa reo đón bạn bè, họ hàng, láng giềng, người gần kẻ xa đến thăm nhau. Chung niềm vui đầu năm bên chén trà thơm, cốc rượu ngon, ngắm lộc biếc, chan hòa tâm tình, mở lòng trao nhau. Mà này, người ta bảo, thật hết sức kỳ lạ cho tâm tính của… đàn ông (!?), đấy, bạn xem đấy, cho dù có lúc giận nhau đến độ không thèm nhìn mặt, như mặt trời mặt trăng, như Sơn Tinh với Thủy Tinh, như nước với lửa nhưng rồi nếu có dịp ngồi cùng nhau, cả hai cùng nâng ly rượu, chạm vào nhau, sau vài câu phải trái là họ có thể dàn hòa, bỏ phứt đi những hắc ám cũ, lại có thể tình bạn như xưa. Điều này, lại càng thuận lợi hơn nữa nếu họ gặp nhau trong ngày Tết ngày Nhất.

Nghĩ thế, tôi càng tiếc cho… Chí Phèo, nếu Phèo nhà ta đến với Bà Kiến đòi “làm người lương thiện” vào dịp Nguyên đán ắt kết thúc đã khác. Vì rằng, Tết còn là lúc tâm hồn, tâm tính, tâm linh, tâm cảnh của con người ta thay đổi, luôn hướng về những gì tốt đẹp nhất. Có thể trong ngày thường họ không nghĩ đến, mải mê lao theo mưu sinh cơm áo gạo tiền, ít có lúc tĩnh tâm soi rọi lại lòng mình. Lúc soi rọi lòng mình cũng lúc nghĩ về sự hướng thiện. Tôi và bạn, cả thẩy chúng ta còn thích Tết là vì lý do đó nữa, phải không nào?

Bài tạp bút này như bài “tập làm văn”. Do đó, sở dĩ dông dài, dài dòng phần “mở đầu” là tôi muốn bước vào “thân bài” với phần trình bày từ câu hỏi: “Tết này, bạn đang ước mơ, đang nghĩ đến điều hướng thiện gì?”. Mỗi người có câu trả lời, có thể giống nhau và khác nhau, không sao cả, miễn là thật với lòng mình.

Với tôi, nghĩ về cảm giác của lúc đưa vợ con về quê ăn Tết.

Dẫn vợ con về quê ăn Tết ảnh 1

Tác giả đưa vợ con về quê ăn Tết.

2.

Ối dào, nhớ lại đi, có phải thời còn đơn thân độc mã, mỗi ngày xàng xê cơm bụi, đêm đêm sầu nghiêng lẻ bóng, rằng, thì, là, mà… bạn rất ngại Tết?

Ủa, tại sao lại ngại Tết? Lạ nhỉ? Cụ Nguyễn Du bảo: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, chính xác lắm vì dịp ấy, về quê ăn Tết, chắc chắn lúc đến thăm nhau, nói gì thì nói, rôm rã đến cỡ nào rồi cũng nghe thiên hạ hỏi thân thiện, thân tình, thân ái mà mình lại... tái tê nỗi niềm. Có phải hỏi một lần thôi đâu. Tết năm sau, năm xưa nữa họ lại cũng hỏi. Nghe chột dạ ghê gớm. Câu hỏi gì thế bạn? Dạ, chỉ là câu: “Ủa, Tết năm nay về quê một mình à? Vợ con/ chồng con đâu?”. Nghe thét một hồi nên hễ mỗi lần xuân về Tết đến có gì đó trỗi dậy trong lòng là sự ngần ngừ, ngần ngại….

Ròng rã mấy mươi, mấy chục cái Tết, tôi đã trải qua tâm trạng này.

Bây giờ thì sao? Trăng với sao gì nữa. Đã là câu trả lời thốt ra bằng tất cả sự sung sướng:

Đã vợ con. Đã có đôi rồi nhé

Những câu thơ phiêu lãng Ngũ Hành Sơn

Đã hòa nhịp cùng sông Hàn vọng đến

Lời tự tình xưa cũ trữ tình hơn

Đã ăn Tết với tâm thế khác. Ngày xưa kia, hễ Sài Gòn vào dịp lá vàng rụng đầy đường: “Sài Gòn mùa xuân còn có lá vàng bay. Có mùa thu nào đang ở lại” (Trịnh Công Sơn) là tôi nhảy cởn lên bởi biết sắp Tết; lại ngần ngại vì biết về quê thể nào cũng nghe lại câu hỏi xưa như trái đất: “Vợ con gì chưa?”. Tuy nhiên, sự ngập ngừng ấy thoáng qua rất nhanh. Rồi lại về quê với tâm trạng của kẻ không vướng bận gì cả, chỉ là ăn xả giàn và chơi xả láng. Độc thân mà. Thế nhưng một khi đã vợ con, người ta mới tự ý thức nhiều hơn về trách nhiệm của mình. Ấy cũng là lúc ta nhớ đến câu ông bà mình đã dạy: “Mồng Một, Tết cha; mồng hai, Tết mẹ; mồng Ba, Tết thầy”, cụ thể hơn:

Mồng Một thì ở nhà cha

Mồng hai, nhà mẹ; mồng Ba, nhà thầy

Nếp truyền thống văn hóa ngàn đời của con người Việt Nam, nào ai dám quên. Tôi nghĩ, ngày mồng Một, ngày đầu tiên Tết Nguyên đán/ Tết Cả là ngày quan trọng nhất của một năm, với tất cả sự thành kính, ta nghĩ về công ơn của người cha, nói rộng ra là ngày đó dành cho bên nội, dòng tộc của cha. Đã có cha ắt có mẹ, vậy nên ngày mồng Hai dành cho mẹ, nói rộng ra là hướng về bên ngoại, dòng dõi nhà mẹ. Ơn nghĩa sinh thành từ cha mẹ/ từ nội ngoại được dành vào hai ngày đó.

Và, ngày thứ ba/ mồng Ba Tết là ngày dành cho thầy. “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” - dù thầy dạy chữ nghĩa hoặc thầy dạy ngành nghề nào đó cho mình. Văn hóa của một xã hội văn minh, tiến bộ còn thể hiện qua sự tôn kính người thầy nữa. Nếp xưa nhắc nhớ: “Quân, sự, phụ”. Thầy còn được đặt trước vị trí của người cha, có thể hiểu rằng, sinh ra đứa con là công lao trời biển của cha mẹ, nhưng người đóng vai trò khai tâm/ khai trí cho con trẻ cũng rất quan trọng, không thể xem nhẹ. Vậy nên một khi có con, người ta lại càng thấm thía hơn nữa về phận sự, trách nhiệm của phận làm con trong ba ngày Tết.

Dẫn vợ con về quê ăn Tết ảnh 2

Tác giả và vợ con.

3.

Dẫn vợ con về quê ăn Tết nay với tôi khác lắm. Rất khác ngày còn “lính phòng không”. Lúc sinh thời, niềm mong mỏi nhất của mẹ vẫn là luôn thúc giục tôi phải sớm có đôi có đũa như mọi người. Rất mong mỏi. Mong từng ngày. Nhưng rồi, biết làm được một khi duyên chưa tới? Khi đến một độ tuổi nào đó, có thể con người ta không còn nhất nhất tin vào lá số tử vi nữa, tôi cũng thế nhưng tôi rằng hôn nhân chính “duyên tiền định”. Một “bí ẩn” nào đó ngoài khả năng tính toán trước, khi nói đến điều này, tôi sực nhớ đến câu thơ Đường; “Cố ý trồng hoa, hoa chẳng nở/ Vô tình dăm liễu, liễu đơm bông”. Vậy nên “cái gì đến ắt đến” chăng? Khi tôi có vợ con, nuối tiếc nhất vẫn là lúc mẹ mình đã viễn du trắng. Tất cả chỉ còn là sự hoài niệm:

Về quê xưa tìm lại thoáng hương trầm

Ngày còn mẹ

Tiếng nói cười thênh thang ấm áp

“Con đã về hả Quốc?”

Chiếc ba lô ném phịch dưới hiên đời

Lặng lẽ một chỗ ngồi

Mùi bồ hóng còn vất vương xó bếp

Bánh chưng xanh gạo nếp

Thắp nén nhang thơm dẫn ký ức quay về

Hoa vạn thọ vàng hoe

Mẹ thích chưng trong những ngày xuân mới

Ngày xưa đã xưa. Đã xa. Thế thì điều đầu tiên, trước nhất vẫn là lúc dẫn vợ con lên mộ ba mẹ để rồi mượn lời con gái:

Em lên thăm nội

Thời gian hóa vàng

Nhú non sắc biếc

Là mùa xuân sang

Và, lúc ấy trong lòng tôi chập chờn sóng vỗ, nhìn thấy sóng vỗ trên trời xanh mây xuân thắm nõn, tự nhủ lòng mình:

Sáng xuân nay, con quay về bằng bài thơ thơm thơm kẹo mứt

Bồng mùa thơm nặng trĩu trên tay

Bồng mùa xuân tượng hình qua bé nhóc

Dâng lên mẹ

Ước mơ của mẹ

Niềm mong mỏi lúc xế chiều của mẹ

Đây chính là chính là cảm giác tinh khôi. Đầu mùa. Mới mẻ. Trong trẻo. Lần đầu tiên trong đời, sau 59 năm phiêu dạt một mình một ngựa, nay tôi mới có được. Cảm giác ấy sung sướng vô ngần. Có những con đường, mọi người cùng đi nhưng đi đến nơi, kẻ trước người sau âu cũng là lẽ thường tình. Rồi ai cũng đi đến mùa xuân. Xuân dành cho tất cả mọi người. Và, chính lúc đưa vợ con về quê ăn Tết, tôi nghĩ, con người ta mới thật sự trở thành trẻ nhỏ với niềm vui trẻ nhỏ. Tất cả hoài niệm êm đềm nhất của vàng son dĩ vãng, nay mới quay về đậm nét nhất bởi được nhìn thấy qua vợ con của mình. Từ đó, đã mở ra một sự tiếp nối. Cây đời tiếp nối trổ muôn hoa...

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?