Danh sách các 'ông lớn' châu Âu thua lỗ tiếp tục nối dài

Do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, danh sách các "ông lớn" tại châu Âu chịu tổn thất doanh thu đang ngày một dài thêm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 30/7, Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus thông báo khoản lỗ ròng trong 6 tháng đầu năm 2020 lên tới 1,9 tỷ euro (tương đương 2,2 tỷ USD) do dịch COVID-19 khiến việc giao máy bay giảm gấp đôi.

Trong bối cảnh các hãng hàng không trên toàn thế giới phải cắt bớt lịch bay cũng như rút lại các đơn hàng, Airbus chỉ giao được 196 máy bay trong nửa đầu năm nay, giảm 1/2 so với một năm trước đó.

Điều này khiến doanh thu của hãng trong cùng kỳ giảm 39% xuống còn 18,9 tỷ euro (21,9 tỷ USD). Riêng doanh thu của Airbus trong quý II giảm tới 55%.

Do hoạt động hàng không được dự báo chưa thể hồi phục như mức trước khi xảy ra đại dịch vào trước năm 2023-2025, Airbus cho biết sẽ cắt giảm 40% sản lượng.

Tập đoàn này dự kiến mỗi tháng sẽ sản xuất 40 máy bay Airbus A320, giảm 20 chiếc so với năm 2019, cùng 4 máy bay A220 và 2 máy bay A330.

Airbus cũng sẽ "điều chỉnh chút ít" đối với việc sản xuất máy bay A350, theo đó, mỗi tháng sẽ sản xuất 5-6 chiếc máy bay loại này. Hiện Airbus chưa đưa ra dự báo nào cho năm 2021.

Cùng chịu chung số phận với Airbus, hãng sản xuất ô tô Volkswagen của Đức cũng thông báo khoản lỗ trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2020 lên tới 1,6 tỷ USD do các biện pháp phong tỏa khống chế COVID-19 khiến sản xuất bị đình trệ và các cửa hàng bán ô tô phải đóng cửa.

Doanh thu của hãng trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 96,1 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2019.

Lượng bán hàng trên toàn cầu của hãng cũng giảm 27% so với năm 2019, đạt 3,9 triệu chiếc. Mức giảm lớn nhất của Volkswagen được ghi nhận vào tháng 4, khi doanh thu giảm tới 45%.

Cùng ngày, Tập đoàn Nestle của Thụy Sĩ đã hạ dự báo tăng trưởng doanh thu trong cả năm 2020 từ mức 3,5% xuống còn 2-3%, trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng giảm do việc đổ xô đi mua sắm thực phẩm dự trữ khi các nước bắt đầu phong tỏa phòng chống COVID-19.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, Nestle đã vượt qua khủng hoảng tốt hơn các hãng khác khi người tiêu dùng đã mua một lượng lớn cà phê, mì hay sữa công thức của hãng này trong thời gian phong tỏa, cho dù hoạt động cung ứng của tập đoàn này cho các nhà hàng và quán cà phê giảm sút.

Theo đó, tăng trưởng tự thân (tốc độ tăng trưởng đạt được nhờ vào việc gia tăng sản lượng và thúc đẩy tiêu thụ) của Nestle trong 6 tháng đầu năm đạt 2,8%, cao hơn 0,5% so với dự báo. Lợi nhuận ròng trong cùng kỳ cũng tăng 18,3% lên 6,46 tỷ USD, cao hơn dự báo gần 1 tỷ USD.

Cũng trong ngày 30/7, Tập đoàn Năng lượng Shell của Hà Lan cũng thông báo khoản lỗ ròng lên tới 18,1 tỷ USD trong quý II.

Trong một tuyên bố, Shell nêu rõ nguyên nhân dẫn tới khoản lỗ ròng là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như tình hình kinh tế vĩ mô và nhu cầu thị trường năng lượng.

Trong khi đó, Tập đoàn dầu khí Total của Pháp cũng thông báo khoản lỗ ròng trong quý II lên tới 8,4 tỷ USD do sự sụt giảm giá dầu dưới tác động của dịch COVID-19.

Đây là khoản lỗ đầu tiên của Total trong 5 năm qua. Trong một tuyên bố, ban lãnh đạo tập đoàn khẳng định trong quý II, Total đã đối mặt với những điều kiện bất thường, theo đó, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã tác động tới nền kinh tế toàn cầu cũng như cuộc khủng hoảng trên thị trường dầu mỏ.

Các biện pháp phong tỏa ở nhiều nước đã khiến nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh, khiến giá dầu "lao dốc". Sản lượng của Total trong quý II đã giảm 4% xuống còn 2,85 triệu thùng/ngày.

Theo Bnews
Bình luận
Các điều tra viên thuộc Cơ quan chống tham nhũng nhà nước Hàn Quốc tiến vào tư dinh Tổng thống bị luận tội để thực thi lệnh bắt giữ ông Yoon Suk Yeol, tại Seoul, ngày 3/1/2025. Ảnh: YONHAP.
Cảnh sát Hàn Quốc thực thi lệnh bắt Tổng thống Yoon Suk Yeol
(Ngày Nay) - Ngày 3/1, các điều tra viên và cảnh sát Hàn Quốc đã tiến vào dinh thự của Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol liên quan đến nỗ lực áp đặt lệnh thiết quân luật bất thành vào tháng trước. Đây là lần đầu tiên lực lượng chức năng nước này tìm cách bắt giữ một tổng thống đương nhiệm.
 Tên lửa Iran được phóng trong một cuộc diễn tập quân sự ở miền Nam nước này ngày 19/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN.
Chiến lược "Vành đai lửa" của Iran đang sụp đổ?
(Ngày Nay) - Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, chiến lược "vành đai lửa" của Iran đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Các lực lượng dân quân thân Tehran như Hamas, Hezbollah bị suy yếu, đồng minh Syria thay đổi chính quyền, trong khi chương trình hạt nhân bị đe dọa đã khiến tham vọng ở Trung Đông của Tehran bị lung lay.