Dạy – học trực tuyến bậc tiểu học: Phụ huynh lớp 1 trở tay không kịp

Khác với bậc phổ thông (THCS, THPT), tính tự học của học sinh tiểu học chưa cao, nhất là đối với học sinh lớp 1. Chính vì vậy, khi các cơ sở giáo dục triển khai học trực tuyến trong thời gian nghỉ học vì dịch COVID-19, nhiều phụ huynh nói không kịp trở tay.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Choáng khi con lớp 1 học trực tuyến cả 8 môn

 Quận Cầu Giấy, Hà Nội chính thức triển khai cho học sinh toàn quận học trực tuyến bắt đầu từ ngày 30/3. Theo đó, các trường  đảm bảo dạy đủ nội dung kiến thức, tinh giản lượng kiến thức, nhằm bồi dưỡng kiến thức tổng hợp theo từng môn, bắt đầu từ tuần 21 theo chương trình Bộ GD&ĐT ban hành.

Ban Giám hiệu các nhà trường chịu trách nhiệm nội dung chương trình dạy từng tuần, sắp xếp phân công giáo viên các khối lớp, giáo viên chuyên biệt, giao nhiệm vụ dạy học theo nội dung bài học từng tuần và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua internet, trên truyền hình; phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động của học sinh thông qua internet, trên truyền hình; nhận xét, đánh giá, kiểm soát kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho  học sinh.

Tuy nhiên, một số phụ huynh có con học lớp 1 tại quận Cầu Giấy đã thực sự “choáng” khi con học trực tuyến đủ 8 môn như học trực tiếp trên lớp. Một phụ huynh chia sẻ: “Trường triển khai học trực tuyến cho các con vào các buổi tối với các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh; các môn còn lại như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Đạo đức, Thủ công, Tự nhiên và Xã hội  thì học dưới dạng xem video, các thầy cô giao bài, cuối tuần các con nộp trả bài. Các con mới lớp 1 mà phải  học đủ 8 môn thì thật áp lực chứ không nói tới giảm tải như trong công văn của Bộ công bố”.

Một phụ huynh khác cũng thừa nhận, trường công quận Cầu Giấy từ tuần này bắt đầu học trực tuyến đủ các môn, môn phụ thì 1 tiết/ môn/ tuần. “Thiết nghĩ giảm tải thì các con chỉ cần học Toán, Tiếng Việt thôi, lại học cả môn phụ nữa. Mỗi ngày 1,5 tiếng học trực tuyến rồi còn làm bài tập. Mệt hơn cả học trên lớp. Lại học từ 19h30 tối nên cả hai mẹ con “vật lộn” trong khi ban ngày mẹ vẫn phải đi làm không nghỉ” - phụ huynh này chia sẻ.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, số lượng các quận huyện triển khai dạy học trực tuyến đối với bậc tiểu học chưa nhiều. Trong văn bản gửi các phòng giáo dục, các hiệu trưởng trường THPT ngày 17/3 vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu từng nhà trường chủ động lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện của trường mình.

Sở GD&ĐT TPHCM vừa yêu cầu các trường tiểu học xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến đối với những môn Toán, tiếng Việt, Ngoại ngữ (khối lớp 1, 2, 3). Riêng khối lớp 4, 5 thêm môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý.

Có con học lớp 1 ở một trường tiểu học thuộc quận 3, TPHCM, chị Hồng Hải  cho hay giáo viên chủ nhiệm thông báo sẽ học trực tuyến trên phần mềm vì nghỉ học kéo dài. Phụ huynh vào mạng tải phần mềm về hoặc vào đường link giáo viên gửi để cho con tham gia học. Nhưng quả thật, theo chị Hồng Hải, tải phần mềm theo dõi và học trên đó rất mệt. Chưa kể mỗi tối cứ 7h30 lại  mở cho con học.

“Không phải gia đình nào cũng có thời gian như nhau. Một số phụ huynh lớp con tôi cho biết đã cho con về quê với ông bà. Ở quê thì không có máy tính, không có internet, thế là coi như con “thất học”. Tôi thấy mọi thứ cập rập và... phong trào”, chị Hồng Hải cho hay.

Chất lượng không thể như học trực tiếp

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết, do đặc thù lớp 1 là học sinh còn nhỏ, nên không thể tự giác học, phải có sự hướng dẫn kèm cặp của cha mẹ. Tham khảo ý kiến, nhiều phụ huynh cho biết, thời gian dạy hợp lý là vào buổi tối vì ban ngày phải đi làm. Đồng thời, chủ trương của quận Cầu Giấy là dạy đủ các môn cho học sinh.

Tuy nhiên, đã có văn bản hướng dẫn tinh giản kiến thức học kỳ II của Bộ GD&ĐT nên giáo viên, nhà trường lựa chọn kiến thức cần thiết để giảng dạy. Nhưng việc  đánh giá học sinh phải toàn diện. Nội dung kiến thức dạy thế nào, Ban Giám hiệu các trường sẽ chủ động, thống nhất trong toàn trường. Lãnh đạo quận Cầu Giấy khẳng định, học trực tuyến không bắt buộc đối với tất cả học sinh. Phụ huynh nào không cho con tham gia được thì giáo viên có giải pháp khác như gửi bài tập qua mail cho phụ huynh để học sinh ôn tập.

Theo báo cáo của các trường gửi Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, tỷ lệ học sinh tham gia học trên truyền hình tương đối cao. Lãnh đạo phòng cũng đã yêu cầu các trường cần  tăng cường giải thích, tuyên truyền tới phụ huynh học sinh về việc dạy trực tuyến là chủ trương của ngành giáo dục, các thầy cô dạy đầy đủ các môn học và quan tâm tới tất cả học sinh.

Trong khi đó, theo đại diện của Sở GD&ĐT TPHCM, dạy và học trực tuyến không thể chất lượng như dạy và học trên lớp được. Nhất là lứa tuổi học tiểu học cần nhiều sự hỗ trợ của thầy cô, cha mẹ thì việc học trực tuyến lại khó khăn hơn. Tuy nhiên, khi học sinh nghỉ học dài ngày, ngành giáo dục phải triển khai nhiều biện pháp để học sinh có kênh trau dồi kiến thức, kết nối với giáo viên thường xuyên. Khi học sinh trở lại trường, giáo viên sẽ rà soát mức độ học sinh đã đạt được đến đâu để bổ sung kiến thức cho các em.

Theo Tiền Phong
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.